Ngày 23/3/2001, nhóm công nhân đang thi công tại huyện Năng Sơn, Túc Châu, An Huy, Trung Quốc thì tình cờ đụng phải ngôi mộ cổ. Bên trong là một chiếc quan tài. Ngay lập tức, trưởng nhóm công nhân đã liên hệ với chính quyền địa phương. Sau đó, cảnh sát cùng nhóm các nhà khảo cổ cùng tới hiện trường.
Theo quan sát của các chuyên gia, quan tài này được làm từ gỗ trinh nam, loại cây vô cùng quý hiếm ở Trung Quốc. Kỳ lạ hơn, sau khi mở nắp quan tài, một mùi thơm đặc biệt tỏa ra. Nếu xét theo lẽ thường, thi thể sau khi chôn cất dưới lòng đất sẽ bị phân hủy, nhưng thi thể trong quan tài lại tỏa mùi thơm.
Người nằm trong đó là một phụ nữ với mái tóc màu đen được búi gọn gàng sau đầu. Nước da của bà vẫn trắng trẻo, da vẫn đàn hồi, đầy đặn, các khớp xương vẫn có thể co duỗi.
Căn cứ vào trang phục của người phụ nữ, các nhà khảo cổ cho rằng chủ nhân ngôi mộ sống ở thời nhà Thanh (1636 – 1912).
Sau khi đem quan tài cùng thi thể về phòng thí nghiệm, các nhà khảo cổ xác định được khi mất người này khoảng 30 tuổi. Người phụ nữ cao khoảng 1m64, nặng 44kg, chân bó gót sen ba tấc, móng tay và móng chân đều được sơn đỏ.
Theo các chuyên gia, nếu còn sống, người này ắt hẳn là một mỹ nhân có vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” thời nhà Thanh.
Trong ngôi mộ, đồ tùy táng được đặt cùng cũng rất phong phú gồm trang sức, chuỗi vòng, đá quý và tiền xu cổ. Mặc dù không tìm thấy văn bia nào nhưng từ hương thơm tỏa ra từ cỗ quan tài, nhiều người nhận định chủ nhân của nó là Hàm Hương công chúa.
Tuy nhiên, khi khám nghiệm thi thể, các chuyên gia thấy trên cổ người chết có một vết cắt sâu hình chữ T tạo ra bởi một thanh kiếm. Vết thương này là duy nhất trên thi thể. Điều này chứng tỏ, người phụ nữ bị kiếm cứa vào cổ và không chút phản kháng nào. Có thể do nàng mắc tội nên bị phán tội chết.
Thực tế, không có vị công chúa nào tên Hàm Hương trong hậu cung của vua Càn Long. Chỉ có một vị phi tần tên là Dung phi, người Hồi Cương, được gả cho Càn Long để xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Trong các tài liệu lịch sử không ghi lại thông tin rằng Dung phi có khả năng tỏa ra mùi thơm. Hơn nữa, Dung phi qua đời ở tuổi 54 vì bạo bệnh. Do đó, những điều này hoàn toàn không khớp với thi thể của người phụ nữ trong quan tài kia.
Các nhà khoa học nhận định, loại thảo mộc được dùng để ướp xác khiến quan tài và thi thể tỏa ra mùi thơm như vậy. Hiện họ vẫn chưa xác định được danh tính của người phụ nữ này.