'Hậu trường' cuộc gặp lịch sử Biden-Trump tại Nhà Trắng

Phương Anh (Nguồn: News Week ) | 14/11/2024, 19:30

Các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể phân tích cách hai chính trị gia thể hiện mình, tại cuộc gặp được xem là mang tính biểu tượng của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Cuộc gặp lịch sử của ông Trump và ông Biden tại Nhà Trắng. 

Cuộc gặp lịch sử của ông Trump và ông Biden tại Nhà Trắng. 

Cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump sau chiến thắng toàn diện của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2024 đã có khả năng trở thành một sự kiện khó xử. Nhưng trái với dự đoán, những gì diễn ra lại là những lời nói nhẹ nhàng và nụ cười trước ngọn lửa ấm áp.

Ông Trump cùng ông Biden đến Phòng Bầu dục vào sáng 13/11 (giờ địa phương), để có cuộc gặp gỡ và chào hỏi công khai giữa các tổng thống sắp mãn nhiệm và sắp nhậm chức. Đây là truyền thống trong quá trình chuyển giao giữa các chính quyền.

Khi hai người đàn ông ngồi cùng nhau trước ngọn lửa bập bùng, ông Biden chúc mừng ông Trump và chào đón ông trở lại Nhà Trắng, đảm bảo rằng vị tổng thống mới sẽ được "chuẩn bị mọi thứ ông cần" cho một "cuộc chuyển giao suôn sẻ".

Ông Trump cảm ơn ông Biden, nói thêm rằng "chính trị rất khắc nghiệt và trong nhiều trường hợp, đó không phải là một thế giới tốt đẹp, nhưng hôm nay là một thế giới tốt đẹp, và tôi rất trân trọng điều đó".

Ông tiếp tục: "Đó sẽ là một cuộc chuyển giao suôn sẻ nhất có thể, tôi rất trân trọng điều đó, Joe".

"Không có gì", ông Biden trả lời, sau đó các phương tiện truyền thông ra khỏi phòng để toàn bộ cuộc họp bắt đầu một cách riêng tư.

Cả ông Trump và ông Biden đều từng có những lời lẽ gay gắt với nhau trong nhiều năm, bao gồm chỉ trích xung quanh các vấn đề pháp lý, nhân cách, chính sách, năng lực,... cũng như nhiều vấn đề khác. 

Cả hai đều nổi tiếng với những phát biểu đôi khi ngẫu hứng và lan man. Vì vậy, khi hai người đối mặt nhau một lần nữa trước ống kính máy quay, mọi con mắt đều dõi theo sát sao.

Một số chuyên gia ngôn ngữ cơ thể hàng đầu ở Mỹ bình luận trên Newsweek về những gì họ thấy đằng sau màn thể hiện này. Họ đưa ra một số điểm nổi bật. 

Cam kết hợp tác, tôn trọng

Tiến sĩ Abbie Maroño, nhà khoa học hành vi, cho rằng trong cuộc gặp, cả ông Trump và ông Biden đều thể hiện ngôn ngữ cơ thể cho thấy sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Điều này giúp nhấn mạnh cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ.

Cả hai nhà lãnh đạo đều bắt tay nhau, một dấu hiệu của sự hợp tác và tôn trọng. Không ai có vẻ lấn át người kia. Cả hai cũng thể hiện sự tự tin trong suốt cuộc họp, với tư thế thẳng, cử chỉ táo bạo nhưng không áp đảo, với những tín hiệu lắng nghe tích cực và nụ cười từ cả hai bên, càng chứng tỏ thêm thiện chí hợp tác của họ.

Cận cảnh một số lát cắt của cuộc gặp. 

Phong cách tương phản

Tuy nhiên, theo chuyên gia Susan Constantine và Tonya Reiman, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump thể hiện những tín hiệu phi ngôn ngữ khá tương phản nhau trong cuộc họp này, và cũng có những giai đoạn cạnh tranh. 

Ông Trump ban đầu tỏ ra điềm tĩnh, giữ tư thế sẵn sàng thoải mái với bàn tay thấp hình tháp chuông. Ngôn ngữ cơ thể của ông toát lên sự tự tin, và biểu cảm khuôn mặt bình tĩnh và kiểm soát.

Ngược lại, ông Biden thể hiện tư thế tạo dáng cẩn trọng hơn dù vẫn mỉm cười và lông mày nhíu lại, không thực sự thả lỏng. Cái bắt tay càng làm nổi bật thêm sự khác biệt của họ.

Ông Biden đưa tay ra trước, thể hiện ông là người chủ trì. Đáp lại, ông Trump đảm bảo rằng cánh tay của ông Biden duỗi thẳng hoàn toàn và ông chỉ cần với tới một chút. Khi ông Biden đặt tay lên trên, ông Trump đưa ngón trỏ thẳng theo cổ tay ông Biden, biểu lộ sự cân bằng quyền lực. Cánh tay ngang, bắt chéo của Trump cũng được cho là thể hiện sự pha trộn giữa sự cảnh giác và ý định chiến lược.

Giao tiếp bằng mắt rất thú vị vì thông thường khi hai người nói chuyện với nhau, những người có quyền lực sẽ giữ giao tiếp bằng mắt. Trong tình huống này, khi Biden nói, Trump sẽ nhìn. Khi Trump nói, Biden sẽ nhìn.

Tuy nhiên, cả hai ít giao tiếp bằng mắt, thể hiện một phần không khí căng thẳng của cuộc gặp, theo các chuyên gia. 

Những nụ cười thoải mái của cả hai bên sau đó giúp xoa dịu không khí, mang lại khoảnh khắc nhẹ nhõm và thống nhất cho quá trình chuyển giao quyền lực.

Theo chuyên gia Jan Hargrave, cả hai nhân vật đều ngồi với tư thế quyền lực, sẵn sàng kiểm soát tình huống. Tuy nhiên, ông Trump đôi khi thể hiện những cử chỉ không ăn khớp nhau, thể hiện lời nói của ông có phần khó đoán. 

Nhân vật thứ ba

Nhìn chung, tư thế của ông Biden trong cuộc gặp với ông Trump có thể truyền tải một loạt các thông điệp phi ngôn ngữ mạnh mẽ liên quan đến sự tự tin, sự gắn kết, thẩm quyền và đón nhận. Bằng cách đặt mình ở vị trí một phần ba phía trước của ghế một cách công khai và đặt tay lên đầu gối, Biden có thể đang ngầm báo hiệu lời mời trao đổi hoặc đối thoại bằng lời nói.

Còn những tín hiệu phi ngôn ngữ của ông Trump trong tương tác với ông Biden truyền tải sự kết hợp giữa quyết đoán, sự tham gia có kiểm soát, tôn trọng nhưng vẫn nỗ lực thể hiện thẩm quyền. Mỗi thành phần trong tư thế của Trump - tay tháp chuông thấp (quyền lực và thẩm quyền), tư thế nghiêng về phía trước và vị trí bắt tay - cho thấy không khí bình tĩnh. Ông cũng được cho là thoải mái hơn nhiều so với năm 2016 khi ông ngồi với ông Obama.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích về các yếu tố thứ ba trong cuộc gặp. 

Vị trí bên trái của tổng thống đắc cử Trump và bên phải của tổng thống đương nhiệm có thể được coi là sự tiếp nối, chuyển giao quyền lực tôn trọng và dựa trên nghi thức, nhấn mạnh tính liên tục và cân bằng trong khi thừa nhận sự sẵn sàng của tổng thống đắc cử để bước vào vai trò tương lai.

Người xem có thể vô thức cảm nhận được từ cuộc trao đổi rằng sự ổn định trong quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình là điều mà tất cả các bên đều mong muốn.

Trong bối cảnh phòng Bầu Dục, một "nhân vật thứ ba" được cho là ngọn lửa bùng cháy cũng thu hút sự chú ý. Theo các chuyên gia, ngọn lửa tạo ra cảm giác về truyền thống và tính liên tục với quá khứ, tạo sức nặng cho các tương tác được tổ chức tại những văn phòng quan trọng này.

Nhưng cũng có thể chỉ đơn giản là đội ngũ nhân viên tiền trạm của Nhà Trắng nghĩ rằng việc đốt lửa sẽ đem đến điểm nhấn vì nó tượng trưng cho sự ấm áp và khẳng định lại bầu không khí thân thiện. 

Phương Anh (Nguồn: News Week )
Bài liên quan
Tại sao ông Trump chọn liên tiếp 2 bộ trưởng từ Fox News?
Ông Donald Trump hôm 18/11 tuyên bố sẽ đề cử ông Sean Duffy làm bộ trưởng giao thông vận tải - người dẫn chương trình thứ 2 từ Fox News được đề cử.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy làm công tác dân vận
VOVLIVE - Chiều nay (18/11), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Dân vận Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng đến nay và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến Đại hội 14 của Đảng.
Mới nhất