Khu thương mại tự do ở thành phố Hải Phòng mới dừng ở ý tưởng

Ngọc Thành/VOV.VN | 27/10/2021, 15:04

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp với thành phố Hải Phòng nghiên cứu đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương rồi trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết điều này khi phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận sáng 27/10 về các dự thảo nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế.

Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm và áp dụng 11 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình. Tuy nhiên, đối với từng chính sách đều có ý kiến đề nghị đánh giá thêm một số mặt. Ví dụ, vấn đề nâng thêm trần nợ vay, bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu và việc quản lý đất đai, phân cấp quản lý cho địa phương chuyển đổi đất rừng, đất lúa và điều chỉnh quy hoạch và nhiều ý kiến nhấn mạnh việc quản lý, bảo vệ với đất rừng đầu nguồn, đất rừng phòng hộ cần có giám sát, quản lý chặt chẽ và có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu về mô hình khu thương mại tự do ở Hải Phòng.

Không có sự mất công bằng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng. các địa phương có điều kiện khác nhau, trình độ phát triển và khả năng phát triển cũng sẽ khác nhau, nếu tạo nên cú huých cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh hơn được thì cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương này vừa để đảm bảo phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực làm đầu tàu để phát triển nhưng cũng phải quan tâm hài hòa với các địa phương khác.

“Đảng và Nhà nước luôn luôn chú trọng hài hòa phát triển cho các vùng, miền. Chúng ta đã có rất nhiều cơ chế, chính sách để đầu tư cho các vùng khó khăn. Rất nhiều chương trình, mục tiêu đều nằm ở các vùng này và hiện nay còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia” – ông Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng và nhấn mạnh một số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù thí điểm ở 4 tỉnh, thành có điều kiện bứt phá, chứ không có sự mất công bằng trong hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng khẳng định, chủ trương này là nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, bứt phá, phát triển tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về cho Trung ương. Nghị quyết phân cấp và có cơ chế giám sát.

Điều kiện thực hiện và giám sát chặt chẽ

Đi vào các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT phân tích, việc xác định chính sách dư nợ vay của các địa phương phải phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển, khả năng hấp thụ vốn, khả năng vay và khả năng trả nợ của từng địa phương. Ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là 90% hay Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 40%, trong khi đó Thanh Hóa là 60%...

Bên cạnh đó, việc tăng mức dư nợ vay của địa phương sẽ được kiểm soát trong giới hạn và bội chi ngân sách nhà nước, trần nợ công của cả nước được Quốc hội xem xét, quyết định hằng năm.

Trên thực tế một số địa phương chưa sử dụng hết dư nợ nhưng có được cơ chế này thì các địa phương sẽ chủ động tính toán nhu cầu của mình và thu xếp các nguồn vay cũng như tính toán hiệu quả của các dự án. Mục đích là chi đầu tư phát triển chứ không được dùng để chi thường xuyên.

Về vấn đề bổ sung có mục tiêu từ tiền tăng thu trên địa bàn của các tỉnh, thành phố, phải đảm bảo hai điều kiện khống chế: Thứ nhất là không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu của năm trước. Thứ hai là ngân sách Trung ương không hụt thu.

“Chính sách này vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và khả năng thực tế hỗ trợ của Trung ương để tránh việc dự toán không sát thực tế” – ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Về chính sách phí và lệ phí trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, đây là thực hiện chủ trương phân cấp, trao quyền cho HĐND cấp tỉnh được chủ động, linh hoạt quyết định nhằm bảo đảm nguồn thu phát huy hiệu quả.

“Có rất nhiều đại biểu nói, dịch COVID-19 vừa rồi ảnh hưởng nặng nề nên nếu chúng ta điều chỉnh không có kiểm soát, không có lộ trình thì sẽ tác động ngay đến các doanh nghiệp, người dân. Chúng tôi cũng thống nhất là phải có lộ trình” – ông Nguyễn Chí Dũng giải trình.

Liên quan đến đề xuất lập khu thương mại tự do ở thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp với thành phố Hải Phòng nghiên cứu đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương rồi sau đó trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Về ý kiến đề xuất nghiên cứu các chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố nghiên cứu bổ sung phù hợp với đặc thù của từng địa phương trên cơ sở diện tích hay quy mô dân số cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển./.

Bài liên quan
Nghệ An không chấp nhận việc mất tên quê 'Bà chúa thơ Nôm' sau sáp nhập
Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Quỳnh Lưu tiếp tục lấy ý kiến, xem xét quy trình đề nghị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất