Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý chính sách đất đai đối với vùng dân tộc

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên | 28/03/2023, 20:41

Hôm nay (28/4), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham của lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và nhiều nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội.


Tây Nguyên có diện tích tự nhiên là trên 54.000 km2, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước. Dân số tại đây hiện nay là hơn 5,8 triệu người, trong đó có gần một nửa là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo bằng nhiều nghị quyết, chương trình nhằm giải quyết hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, giao khoán rừng trong vùng dân tộc thiểu số và các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Dù vậy, tới nay, tại Tây Nguyên vẫn tồn tại các vấn đề về đất đai chưa được giải quyết triệt để, dễ làm phát sinh tình trạng tranh chấp, phá rừng làm nương rẫy, khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép…

Đơn cử như vấn đề quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường, phát biểu tại hội thảo, ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, có tình trạng tranh chấp đất giữa hộ giao khoán và các đơn vị được giao đất; việc khoanh đất sản xuất, nhà ở của người dân vào đất nông, lâm trường quốc doanh; đất rừng và đất sản xuất lâu năm của người dân nằm đan xen, khó bóc tách; nhiều địa phương được giao đất, nhưng chủ yếu là đất chưa được rà soát, đo đạc chi tiết, nên không thể lên phương án giao đất, giao rừng, dẫn tới tình trạng đất bị bỏ hoang hoá, rừng bị chặt phá, hoặc để dân lấn chiếm, xâm canh…

Ông Bình cho biết, điều này dẫn tới việc nông, lâm trường được giao diện tích đất lớn, không phải trả tiền thuê đất, lại không có vốn để đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất còn hạn chế. Trong khi, một số đơn vị muốn phát triển các dự án phát triển kinh tế dưới tán rừng thì vướng luật về đấu giá cho thuê rừng tự nhiên.

Ông Lương Thanh Bình kiến nghị một số nội dung liên quan tới Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Theo tôi, hiện nay cần phải có quy định kết hợp việc quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên với phát triển cây dược liệu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nâng cao lợi thế của rừng tự nhiên. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tôi thấy, cần nâng hạn mức công nhận quyền sử dụng đất với đất hàng năm cho các hộ đồng bào, bởi đất trồng cây hàng năm, nhiều diện tích đất bạc màu, trồng ngô, đỗ, giá trị thấp. Nếu quy định hạn mức 2ha, trên diện tích đó phải thuê thì đồng bào sẽ không muốn làm giấy chứng nhận”.

Cùng với ý kiến của tỉnh Gia Lai, hội thảo nhận được thêm 11 ý kiến khác từ các đại biểu của tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và một số nhà khoa học, đại biểu quốc hội, …về nhiều vấn đề tồn tại liên quan tới chính sách đất ở, đất sản xuất; đất rừng cộng đồng; việc sử dụng đất 5% của cộng đồng dân cư; tạo sinh kế dưới tán rừng… cần được xem xét, sửa đổi.

Kết luận hội thảo, ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội- đánh giá cao những góp ý của các đại biểu. Bởi thực tế khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải đặt ra những vấn đề cần sửa đổi về mặt chính sách, để tháo gỡ, nhất là các quy định bổ sung có tác động lớn tới dân tộc thiểu số, như: Điều 17 về Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; một số khoản của các Điều 52, Điều 175, Điều 178, Điều 179, Điều 180.

“Thông tin từ các nhà chuyên gia, nhà quản lý, và đặc biệt là chia sẻ từ Hội đồng Dân tộc để thấy được những điều phù hợp và chưa phù hợp, khó khăn với đất ở và đất sản xuất cho đồng bào. Đó là những điều chính sách hướng tới khi sửa Luật Đất đai lần này. Với những yêu cầu như vậy, chúng tôi tiếp thu, cảm ơn 12 ý kiến tham gia của đại biểu. Chúng tôi chắt lọc nội dung chính liên quan tới các quy định của Dư thảo Luật mang tính đại diện vùng miền để nghiên cứu và đề xuất các chính sách cho vùng đồng bào; thứ hai là gửi tới ban soạn thảo, để tạo sự thống nhất”, ông Quàng Văn Hương cho biết./.

Bài liên quan
Chuyên gia: Luật Đất đai càng sớm thực thi, thị trường BĐS càng nhanh hồi phục
Theo chuyên gia, nếu Luật Đất đai 2024 được áp dụng từ ngày 1/7 thì những điểm nghẽn trên thị trường địa ốc càng sớm được tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.
Mới nhất