Hiểu thêm về lễ cúng sức khỏe cho voi ở Đắk Lắk

H Xíu/VOV-Tây Nguyên | 14/05/2023, 09:45

Ở Tây Nguyên, voi không chỉ là vật nuôi có giá trị mà còn có mối quan hệ thân thiết với gia chủ, được xem như thành viên trong gia đình. Vì vậy, voi được quan tâm chăm sóc và được làm lễ cúng sức khỏe với mong muốn voi luôn khỏe mạnh, hiền lành, đem lại nhiều may mắn cho gia chủ và buôn làng.

Nhịp chiêng ngân lên rộn ràng, đoàn người nối nhau tập trung ra bến nước Bay Rông ở buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk để làm lễ cúng sức khỏe cho voi. Dẫn đầu là thầy cúng Y Hăn Bkrông, trên tay ông cầm một bầu nước nhỏ. Theo sau ông là 2 người phụ cúng và đoàn thanh niên, phụ nữ giúp việc đem lễ vật ra nơi làm lễ. Cạnh bến nước, dưới những tán me cổ thụ, 7 con voi đã được khoác những tấm thổ cẩm sặc sỡ, đeo gông có cắm cờ và bảng số theo thứ tự.

Theo ông Y Tăng Rya (aê Mai), ở buôn Ea Rông A, xã Krông Na, với người dân ở đây, voi là “người bạn lớn” thân thiết của gia đình: "Theo truyền thống thì nghi lễ cúng cho voi là thể hiện sự tôn trọng đối với con voi, cầu mong voi được khỏe mạnh. Khi làm lễ sẽ lấy rượu, huyết heo bôi lên người voi để chúc voi có nhiều sức khỏe, ăn uống khỏe mạnh, không bị ốm đau bệnh tật".

Theo truyền thống người Mnông, lễ cúng sức khỏe cho voi được tổ chức khi kết thúc mùa màng và các sự kiện quan trọng trong năm. Khi đó, voi sẽ được tắm rửa sạch sẽ, được bồi bổ những thức ăn ngon, cho nghỉ ngơi và làm lễ cúng sức khỏe. Trước đây, lễ vật cúng thường là một con heo và vài ché rượu cần hoặc tùy điều kiện của gia chủ. Nhưng nay, cứ khoảng 2 - 3 năm, xã sẽ tổ chức cúng sức khỏe tập thể cho tất cả những con voi trong xã một lần.

Ông Y Ril Knul (aê Tạo), già làng buôn Ea Mar, xã Krông Na cho biết trong lễ cúng tập thể này, người dân phối hợp với chính quyền chuẩn bị những lễ vật cúng như gà, heo, rượu cần, cơm, gạo,… và phân công nhiệm vụ cho những người thực hiện để đảm bảo nghi lễ diễn ra suôn sẻ. "Lễ vật gồm gạo, cơm, nến, trầu, thuốc đặt trên bàn lễ, cùng với đó là rượu cần, con heo khoảng 30kg. Con heo được giết thịt rồi lấy huyết bỏ lên bàn lễ, sau đó lấy huyết này cùng với các lễ vật khác đặt lên đầu voi để minh chứng cho tình cảm của gia chủ dành cho voi, để voi biết được là nó đang được gia chủ làm lễ chúc sức khỏe".

Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi được thực hiện với 3 lần cúng là cúng tổ tiên, cúng chúc sức khỏe voi và cúng tạ ơn các thần. Sau mỗi lần cúng, tiếng chiêng lại ngân lên rộn ràng, các thanh niên nam nữ nắm tay nhau múa xoang và mọi người cùng nhau thưởng thức rượu cần ở các ché. Sau đó, thầy cúng bước tới vị trí đã được chuẩn bị sẵn, nài voi dắt voi tiến đến gần để thầy cúng đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới nước lên đầu voi. Vừa làm thầy cúng vừa đọc lời khấn cầu mong voi luôn khỏe mạnh, gần gũi và giúp đỡ gia đình, buôn làng trong những công việc quan trọng, đồng thời trực tiếp đeo vòng đồng cho nài voi, lấy một phần thức ăn cho các nài voi ăn và khấn cầu mong các nài voi có sức khỏe để chăm sóc, bảo vệ voi.

Kết thúc phần lễ, mọi người dân lại tiếp tục đánh chiêng, uống rượu cần và hòa mình vào không khí lễ hội. Không chỉ là dịp để chủ voi, nài voi thể hiện sự trân quý đối với voi của mình, lễ cúng sức khỏe cho voi còn là dịp để người dân trong các buôn tập hợp lại, phân công nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ. Đây cũng là dịp để người dân thêm gắn bó, đoàn kết và giao lưu với nhau nhiều hơn và cùng duy trì những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Anh Y Com H wing (ama Nháo), đội trưởng đội cồng chiêng xã Krông Na chia sẻ: "Mình cũng tham gia đóng góp để cho có phong trào cho bà con dân làng của mình. Có sự đóng góp, vận động bà con tổ chức lễ như ngày hôm nay thấy cũng rất là vui mừng. Cảm ơn xã nhà đã tổ chức cho dân làng mình, để duy trì và phát triển sau này".

Những năm gần đây, số lượng đàn voi nhà ở Đắk Lắk ngày càng suy giảm. Chính quyền và ngành chức năng đang có nhiều nỗ lực để duy trì và chăm sóc đàn voi hiện có. Với việc các mô hình du lịch thân thiện với voi được quan tâm nhiều hơn, thì việc tổ chức các nghi lễ truyền thống gắn với voi mở ra hướng đi mới để phát triển du lịch với voi.

Ông Y Tê Bkrông, ở buôn Drang Phôk, xã Krông Na hi vọng những nghi lễ như thế này sẽ được duy trì thường xuyên và trở thành hoạt động văn hóa đặc sắc, trở thành điểm nhấn du lịch tại địa phương: "Xã hội phát triển mà để mất bản sắc văn hóa này thì bản thân tôi áy náy lắm. Bởi vì vẫn còn gìn giữ lại thì mới có giá trị. Đặc biệt giữ lại bản sắc truyền thống, văn hóa này, tại xã Krông Na có trung tâm du lịch sẽ giúp người dân đón du khách để việc gìn giữ này sẽ tạo nguồn thu nhập, có chương trình khi khách đến đây".

Không chỉ là nét đẹp văn hóa, lễ cúng sức khỏe cho voi còn thể hiện sự yêu thương, quý trọng dành cho loài voi, qua đó truyền thông điệp đến mọi người dân cùng chăm sóc, bảo vệ đàn voi nhà./.

Bài liên quan
Độc đáo lễ cúng sức khỏe cho voi ở Buôn Đôn - Đắk Lắk
Hội voi sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai (12/3). Trước giờ khai hội voi Buôn Đôn, đàn voi đã được tổ chức lễ cúng sức khỏe vào chiều nay (11/3) tại bến nước Bay Rong, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm
Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Mới nhất