Hàng ngàn giáo viên Hà Nội vẫn thấp thỏm chờ tiền thưởng theo Nghị định 73

Nguyễn Trang/VOV.VN | 24/01/2025, 08:53

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội, đề xuất phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi để giáo viên không bị mất thưởng theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ. Tuy nhiên sát ngày nghỉ Tết, hàng ngàn giáo viên tại Hà Nội vẫn chưa nhận được tiền thưởng.

Theo quy định tại Nghị định 73/2024 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ có chế độ tiền thưởng căn cứ vào thành tích công tác và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Quỹ tiền thưởng hàng năm được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương. Đây là lần đầu tiên, cán bộ, công chức, viên chức có khoản tiền thưởng này. Các trường học trên cả nước đang tích cực thực hiện các thủ tục để giáo viên nhận khoản tiền này trước Tết Nguyên đán 2025. 

Ngày 10/12/2024, HĐND TP.Hà Nội ban hành Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP.Hà Nội quản lý.

Tuy nhiên, trước đó, hàng ngàn giáo viên đã gửi tâm thư lên Sở GD-ĐT lo ngại nếu áp dụng Nghị quyết số 46 của HĐND TP. Hà Nội, hàng ngàn giáo viên sẽ không nhận được mức thưởng này vì thuộc đơn vị sự nghiệp giáo dục đang thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục từ năm học 2023 - 2024 bị phân loại thành đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.

Thông tin đến báo chí ngày 6/1, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã có văn bản gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội, đề xuất phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi để giáo viên không bị mất thưởng theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến hết ngày 23/1, hàng ngàn giáo viên tại Hà Nội vẫn chưa nhận được khoản tiền thưởng này.

Trao đổi với VOV.VN, cô Hồ Thị Xuân Thu, giáo viên Trường TH, THCS, THPT Khương Hạ cho biết: “Khi giáo viên nghe nói về tiền thưởng theo Nghị định 73 và nghị quyết 46 rất mừng. Nhưng sau đó nhiều giáo viên lại nhận được thông tin trường tự chủ tài chính 1 phần nên sẽ không nhận được khoản tiền này. Khi biết Sở GD-ĐT đã trình ý kiến lên Thành phố để đề nghị giải quyết quyền lợi cho tất cả viên chức giáo dục trên toàn thành phố đều được chế độ như nhau, giáo viên chúng tôi lại được thêm 1 lần hy vọng, vui mừng. Nhưng đến nay, khi chỉ còn 1 ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết, giáo viên vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào”.

Cô Bùi Thị Việt Anh, giáo viên Trường THPT Yên Lãng, Mê Linh, Hà Nội cho biết, bản thân cô không khỏi vui mừng khi sau 27 năm đứng lớp lần đầu tiên được nghe tin sẽ có khoản tiền thu nhập tăng thêm vào đúng dịp Tết, nhưng mãi thấp thỏm đợi chờ sát ngày nghỉ Tết vẫn chưa thấy tiền thưởng.

“Trong khi nhiều địa phương đã triển khai chính sách, giáo viên đã nhận được tiền thưởng, thì tại Hà Nội giáo viên vẫn chưa nhận được bất cứ đồng tiền thưởng nào theo tinh thần của Nghị định 73. Nhiều giáo viên mong chờ có khoản tiền này để trang trải dịp Tết đến giờ chỉ thêm thất vọng. Sở GD-ĐT cũng đã có đề xuất gửi lãnh đạo thành phố, nhưng đến nay giáo viên vẫn chưa nhận được tiền thưởng và cũng chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ Sở GD-ĐT Hà Nội”.

Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT phú Xuyên A, Phú Xuyên, Hà Nội cho rằng, về bản chất, các đơn vị thí điểm đặt hàng là đơn vị tự chủ chi thường xuyên không phải do tăng nguồn thu mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng. Bên cạnh đó, Thành phố đang thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách nhà nước từ năm 2023-2024, chưa áp dụng đại trà. Việc không áp dụng chi thu nhập tăng thêm đối với các đơn vị này là bất cập và sẽ tạo ra hệ luỵ không tốt.

Viên chức là cán bộ, giáo viên không được hưởng ưu đãi của thành phố sẽ tạo ra sự so sánh trong hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cùng địa bàn thành phố. Ngay trong chính trong đội ngũ giáo viên cũng có sự phân biệt, những giáo viên công tác trong các trường chưa đăng kí giá dịch vụ giáo dục sẽ được hưởng chế độ tăng thu nhập trong khi giáo viên của các đơn vị khác lại không được hưởng.

Ngoài ra, việc một số đơn vị thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục không được hưởng thu nhập tăng thêm sẽ khiến cho các đơn vị khác không tham gia đặt hàng giá dịch vụ nữa.

"Chúng tôi là viên chức giáo dục, được biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập, chúng tôi có nghĩa vụ và quyền lợi như bao viên chức giáo dục trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn quốc. Chỉ vì lí do nhà trường đã được xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn mà không được hưởng quyền lợi như bao viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên cả nước là một điều hết sức vô lí.

Về bản chất, các đơn vị trường học vẫn là các đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước đảm bảo toàn bộ chi ngân sách. Nhà trường được giao nhiệm vụ thu học phí, nhưng số tiền thu được trên thực tế vẫn là ngân sách, nhà trường chỉ với vai trò thu hộ, số tiền nay sẽ được trừ khi cấp trên phân bổ dự toán, nhà trường không được đem chia cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mặt khác, khi đăng kí giá dịch vụ giáo dục năm 2024-2025 thì giá dịch vụ tại thời điểm đó được xác định theo mức lương cơ sở là 1.800.000 và chưa bao gồm kinh phí tiền thưởng theo nghị định 73/NĐ-CP, cũng như nguồn tăng thu nhập theo nghi quyết 46/2024/NQ-HĐND.

Việc các đơn vị trường học bị xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn và đơn vị đã đăng kí đặt hàng giá dịch vụ giáo dục đã khiến cho giáo viên chúng tôi không được hưởng nguồn thu nhập tăng thêm từ nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND và nghị định 73/2024/NĐ-CP. Rõ ràng, đây là những chủ trương áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nhưng chúng tôi đã bị gạt ra, Liệu chúng tôi có còn được xem là viên chức giáo dục không", thầy Đường nói.

Trước đó, nhiều quận, huyện cũng đã có văn bản gửi ý kiến đến Sở GD-ĐT Hà Nội tham gia ý kiến về nội dung chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cũng nêu rõ, huyện có 9 đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục đang thực hiện thí điểm đặt hàng giáo dục từ năm 2023-2024, sau khi thí điểm đặt hàng 9 đơn vị này được phân loại là đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Về bản chất, các đơn vị thí điểm đặt hàng là đơn vị tự chủ chi thường xuyên không phải do tăng nguồn thu mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng. Bên cạnh đó, thành phố đang thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách nhà nước từ năm học 2023-2024, chưa áp dụng đặt hàng đại trà, việc không áp dụng chi thu nhập tăng thêm đối với các đơn vị thí điểm đặt hàng này sẽ không khuyến khích được các đơn vị tiếp tục thực hiện đặt hàng, bất cập trong công tác quản lý giáo dục.

Bài liên quan
Thưởng Tết bị khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân, liệu có được hoàn lại?
Thuế thu nhập cá nhân chỉ là tạm khấu trừ, khi nào quyết toán thuế cả năm, nếu không thuộc diện chịu thuế sẽ được hoàn thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Hội nghị Trung ương bàn 5 nội dung, trọng tâm là sắp xếp bộ máy
Chiều 23/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng khai mạc trọng thể Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại hội nghị. VOV trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Mới nhất