Hàng loạt hàng quán ở các quận "vùng cam" treo biển bán mang về

Vân Anh/VOV.VN | 27/12/2021, 17:37

Tiếp theo quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Long Biên cấm bán hàng tại chỗ từ ngày 26/12, quận Ba Đình và Hoàng Mai tiếp tục chỉ cho phép bán hàng mang về từ 12h hôm nay (27/12).

Từ 12h trưa 27/12, quận Ba Đình và 13 phường cấp độ 3 của quận Hoàng Mai (Hà Nội) gồm Thanh Trì, Tân Mai, Tương Mai, Lĩnh Nam, Trần Phú, Vĩnh Hưng, Mai Động, Yên Sở, Đại Kim, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Định Công và Hoàng Văn Thụ (thuộc vùng cam) siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có hạn chế hoạt động tập trung đông người; cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Trước đó, theo công bố của UBND thành phố Hà Nội, thành phố có thêm 6 quận chuyển mức độ dịch từ vùng “vàng” lên vùng “cam” gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Cùng với 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng được đánh giá cấp độ 3 từ trước. Như vậy, 8/12 quận của Hà Nội đã ở mức nguy cơ cao về dịch, tương ứng áp dụng các biện pháp siết chặt nhiều hoạt động để chống dịch.

Trên một loạt các tuyến phố ở quận Ba Đình từ 12h trưa 27/12 cơ bản không có người ăn, uống trực tiếp tại quán. Một loạt các hàng quán thu dọn, xếp gọn bàn ghế và chuyển sang trạng thái chỉ bán hàng mang về.

“Quận ra quy định là chúng tôi thực hiện luôn, không để khách ngồi tại quán mà chỉ bán mang về. Khách hàng cũng quen nhịp sống này rồi nên cũng mua mang về nhiều hoặc đặt qua ứng dụng mua hàng hộ. Bản thân họ cũng sợ dịch bệnh, sợ bị lây nhiễm. Tết nhất đến nơi rồi, ai cũng phải cẩn thận một chút để có cái Tết nữa”, chị Nguyễn Thúy Liễu, chủ một quán ăn trên phố Đội Cấn, Ba Đình chia sẻ.

Trong khi nhiều quán chuyển trạng thái sang bán hàng mang về thì cũng có không ít quán phải tạm đóng cửa hàng do lo ngại quá ít khách, thậm chí một số cửa hàng còn treo biển chuyển nhượng, cho thuê lại cửa hàng để ngừng kinh doanh, dù đang mùa làm ăn - Tết cận kề.

Anh Trần Đình Văn, chủ quán cà phê trên đường Lương Định Của, quận Đống Đa cho biết, nhận được thông tin từ chính quyền anh đã phải cho các bạn phục vụ quán nghỉ và tạm đóng cửa quán vài ngày để cân đối thu - chi cho hợp lý.

“Do đặc thù quán cà phê là để có không gian cho mọi người nói chuyện, nhưng bây giờ chỉ bán mang về nên tôi tạm đóng cửa vài ngày để xem tình hình đã. Nếu mở cửa hàng vẫn phải chi phí thuê người rồi điện, nước… trong khi lượng hàng bán ra không đủ bù lỗ. Tết đến nơi rồi, nhiều việc phải lo nhưng cố mở mà không hiệu quả thì cũng phải cân nhắc”, anh Văn cho hay.

Bên cạnh các hàng quán nghiêm chỉnh chấp hành quy định, vẫn còn một số hàng quán phục vụ ăn uống tại chỗ “chui”. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng.

“Vẫn có hàng quán bán ăn tại chỗ đó. Nhiều người ý thức vẫn kém lắm. Phường cấm thì họ kéo cửa lại ăn bên trong, rồi cho khách lên trên tầng ăn… nên khó thấy. Cứ vậy đến lúc bùng dịch lên thì lại chẳng biết nguồn gốc từ đâu mà tra cả”, một người dân bức xúc ý kiến.

Việc cấm ăn uống tại chỗ ở 8 quận vùng “cam” khiến cho lượng đặt hàng ứng dụng gia tăng mạnh, tuy nhiên do tập trung quá đông vào giờ cao điểm, ở nhiều nơi rất khó duy trì đúng khoảng cách theo khuyến cáo khi mua hàng./.

Bài liên quan
Bộ Y tế: Người từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
Đại diện Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông trong một số trường hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4
Sáng 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Phiên họp nhằm tập trung thảo luận về tình hình phát triển KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác như về giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Mới nhất