Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX). Tại dự thảo, cơ quan này đề xuất nhiều quy định "đỡ nghẹt thở" hơn đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Theo đề xuất của Bộ Công an, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất sẽ giảm nhiều lần, tài xế cũng không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ngay lập tức. Phóng viên VOV đã phỏng vấn Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
PV: Tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Ông nghĩ sao về đề xuất này của Bộ Công An? Ông có đồng tình với dự thảo này?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Ở góc độ tính toán hiệu quả của việc áp dụng chế tài xử phạt, tôi cho rằng, Đề xuất giảm mức phạt tiền hoàn toàn không hợp lý, bởi vì nếu giảm mức phạt có thể dẫn đến số trường hợp vi phạm trở nên phổ biến hơn.
Thậm chí, nhiều người có thể nhận thức việc giảm mức tiền phạt đối với hành vi này giống như đang khuyến khích người dân có thể uống rượu, bia ( mặc dù là ít) mà vẫn tham gia giao thông do mức phạt tiền không cao. Mức phạt không cao thì tương đồng với việc chế tài chưa đủ răn đe. Như vậy, đề xuất quy định giảm mức phạt tiền có vẻ như đang mâu thuẫn với quy định “cấm tuyệt đối nồng độ cồn” khi tham gia giao thông?
PV:Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), mức tiền phạt đối với hành vi này là từ 6 đến 8 triệu đồng. Còn theo đề xuất mới của Bộ Công an, mức phạt tiền là từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Theo ông mức đề xuất này đã hợp lý chưa?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Tôi chưa biết lí do của việc đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn nêu trên là gì. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao về mức xử phạt tiền theo quy định hiện hành, bởi trong thời gian qua khi thực thi quy định xử phạt này, thực tế đã cho thấy kết quả số vụ tai nạn giao thông do nồng độ cồn giảm rõ rệt. Đồng thời trong nhận thức, suy nghĩ của người dân về vấn đề nồng độ cồn đã cũng đi vào “nề nếp, khuôn khổ”, mọi người đều nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành quy định cũng phần lớn là do e ngại chế tài xủa phạt. Điều đó, cho thấy sức răn đe, sự hợp lý, hiệu quả của quy định hiện hành.
PV:Có ý kiến cho rằng mức xử phạt giao thông cao hay thấp không mang tính quyết định trong việc tạo thói quen chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông. Yếu tố quyết định đến hành vi của họ xuất phát từ việc cơ quan thực thi nhiệm vụ trên đường phải làm nghiêm và công bằng. Góc nhìn của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Ý kiến trên có phần đúng, tuy nhiên theo tôi, để thói quen chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được hình thành đi vào “khuôn khổ” hơn thì phải có quy định, chế tài đủ sức răn đe, đủ hợp lý, đủ thuyết phục mới nhận được sự đồng thuận của toàn dân, từ đó mới có thể thực hiện thuận lợi, suôn sẻ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Cơ quan thực thi pháp luật chỉ là một bên chủ thể trong công tác thực thi pháp luật an toàn giao thông. Nếu chúng ta cứ e ngại lí do họ thực hiện chưa nghiêm, chưa công bằng trong việc xử lý, xử phạt là đánh giá chưa khách quan, toàn diện. Người tham gia giao thông hay cơ quan thực thi pháp luật luôn có quyền và nghĩa vụ được quy định trong luật.
PV: Cũng nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt đối với người vi phạm về nồng độ cồn phải tương ứng với hành vi, tính chất vi phạm. Người có nồng độ cồn thấp, nguy cơ gây thiệt hại cho người khác ít hơn so với người có nồng độ cồn cao. Người có nồng độ cồn thấp vẫn đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông và ý thức được hậu quả của tai nạn giao thông?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Mức xử phạt đối với người vi phạm về nồng độ cồn phải tương ứng với hành vi, tính chất vi phạm là hợp lý. Tuy nhiên, đã là hành vi nguy hiểm thì không nên phân biệt thấp cao, một khi xảy ra tai nạn thì không thể lường trước được hậu quả mang lại, người có nồng độ cồn cao có thể gây tai nạn “chết người” và người có nồng độ cồn thấp cũng có thể không gây tai nạn là chuyện bình thường. Tôi cho rằng vẫn phải “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”. Pháp luật phải thật nghiêm minh, từ đó mới chuyển biến vào nhận thức, tư duy chấp hành tốt.
PV: Việc giảm mức phạt tiền đối với người vi phạm có nồng độ cồn thấp không có nghĩa là Nhà nước không xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Tôi nghĩ quan trọng vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, thưa luật sư?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Đúng là ý thức của người tham gia giao thông rất quan trọng, nhưng điều khiển phương tiên tham gia giao thông trong tình trạng không tỉnh táo là rất nguy hiểm, có thể gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều đáng tiếc không ai mong muốn. Việc chấp hành an toàn khi tham gia điều khiến phương tiện giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng, một chút sai lầm có thể để lại hậu quả khôn lường, cho nên phải được pháp luật điều chỉnh một cách đủ mạnh và đủ răn đe để đưa vào khuôn khổ.
PV: Xin cảm ơn luật sư!