“Gỡ rối đấu thầu thuốc”: Vẫn còn vướng với các loại thuốc độc quyền

27/03/2023, 08:05

Theo lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung Thuốc quốc gia, những mặt hàng độc quyền hay chỉ có một nhà sản xuất, một nhà cung ứng là một trong những trở ngại khi mời thầu. Có những thuốc đã mời thầu rất nhiều lần, nhưng các nhà thầu không đáp ứng được.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, Bộ Y tế đã đề nghị các nhà thầu trúng thầu khẩn trương rà soát, làm việc với nhà cung cấp đẩy nhanh tiến độ cung ứng các mặt hàng trúng thầu và cam kết đảm bảo cung ứng. Đồng thời, các đơn vị báo cáo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia về số lượng tồn kho và tình hình sản xuất, cung ứng các mặt hàng trúng thầu; có trách nhiệm cung ứng thuốc thay thế cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng nếu có yêu cầu, không để thiếu thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung Thuốc quốc gia cho biết, đối với một số thuốc nhập khẩu từ Châu Âu, các nhà thầu đã cung cấp thông tin và tài liệu liên quan đến một số lý do bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng.

Cụ thể, nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là chính sách Zero-COVID ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ… đã dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất, quá tải và đứt gãy chuỗi cung ứng nên kế hoạch sản xuất từ nhà sản xuất bị thay đổi. Bên cạnh đó, biến động tình hình địa chính trị tại Châu Âu, làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và giá thành sản xuất cũng như kế hoạch sản xuất thuốc. 

“Vì vậy, sau khi trúng thầu, nhà thầu phải tiến hành thương lượng lại với nhà cung cấp về giá và tiến độ cung cấp”, ông Dũng cho biết. 

Về một số thuốc chậm cung ứng do có số đăng ký hết hạn vào ngày 31/12/2022, mới được gia hạn theo Nghị quyết số 80/2023/QH15, đã bắt đầu được đặt hàng sản xuất từ tháng 2/2023 vẫn cần có thêm thời gian thực hiện các thủ tục nhập hàng và giao hàng.

Theo đó, có một số nguyên nhân chủ quan được cho là do gia hạn nhiều lần đóng mở thầu, kéo dài quá trình lựa chọn nhà thầu nên nhà thầu không dự trữ nhiều hàng vì sản phẩm thuốc có hạn sử dụng; một số cơ sở y tế quá chậm trễ trong việc thanh toán công nợ nên nhà thầu dừng cung ứng thuốc…

“Chúng tôi có một quy trình rất chặt chẽ từ việc rà soát, lập kế hoạch, tổng hợp nhu cầu từ các bệnh viện, đến các tỉnh, thành… Các phòng nghiệp vụ sẽ tiếp tục rà soát và tổng hợp nhu cầu. Sau đó, mới tiến hành mời thầu. Trên hồ sơ mời thầu gồm các tiêu chí tiêu chuẩn. Đối với các nhà thầu, về cơ bản, không có nhiều vướng mắc. Với vướng mắc về số đăng ký đã có các Nghị quyết gỡ rối. Một số thuốc còn một số khó khăn trong quá trình cung ứng (chiếm khoảng 3%) cũng đã được rà soát và mời thầu. Theo đó, các nhà thầu đã có biên bản, cam kết”, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung Thuốc quốc gia cho biết thêm.

Cũng theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung Thuốc quốc gia, những mặt hàng độc quyền hay chỉ có một nhà sản xuất, một nhà cung ứng là một trong những trở ngại khi mời thầu. Có những thuốc đã mời thầu rất nhiều lần, nhưng các nhà thầu không đáp ứng được.

“Chỉ có một nhà sản xuất sẽ trở thành độc quyền. Vấn đề này, chúng tôi hy vọng trong quá trình sửa đổi Luật Dược, cũng như các văn bản sau này, có thể cho phép chúng tôi trực tiếp đàm phán với hãng, với nhà sản xuất. Hiện nay, Luật không cho phép chúng tôi thực hiện như vậy. Khi mời thầu, các nhà sản xuất không được vào trực tiếp mà phải thông qua các nhà thầu. Sau này, hy vọng chúng tôi được đàm phán trực tiếp với các hãng để rút ngắn các khâu trung gian”, ông Dũng nêu rõ.

Ngoài ra, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng nêu giải pháp tiếp tục gỡ rối cho vấn đề thuốc, đặc biệt là mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Thực tế, còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời).

Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh và hiện đang được quy định tại Thông tư số 26/2019 của Bộ Y tế. Danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có

Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm như ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định. Cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở khám chữa bệnh./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất