
Với việc phân cấp, phân quyền gắn với yêu cầu "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả" đang tạo nền tảng để giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, hiệu quả trong thời gian tới.
Sáu tháng đầu năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 268.100 tỷ đồng, đạt 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (28,2%).

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò là đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ, tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các tuyến cao tốc, hệ thống giao thông liên vùng và các công trình hạ tầng trọng yếu khác.
Đến thời điểm này, 16 tuyến cao tốc mới đã hoàn thành, nâng tổng chiều dài lên hơn 2.268 km, cùng với tuyến đường kết nối và nhà ga T3 của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế khu vực phía Nam.
Có được những kết quả này là sự vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, hành động của Chính phủ và các cấp bộ ngành, địa phương. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành các chỉ thị, công điện và trực tiếp kiểm tra hiện trường để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, các Phó Thủ tướng và tổ công tác đặc biệt cũng tích cực làm việc với các bộ, ngành và địa phương nhằm xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc thực tiễn.
Trong bối cảnh cả nước sắp xếp đơn vị hành chính, tháng 6/2025, Chính phủ ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế, nền tảng pháp lý vững chắc để bộ máy mới vận hành, tạo điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Đáng lưu ý, việc đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh và cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Việc phân cấp phân quyền gắn với yêu cầu "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả" bảo đảm công việc được giải quyết hiệu quả nhất, nhanh nhất và gắn liền trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Trong bối cảnh ấy, giải ngân vốn đầu tư công được coi là thước đo quan trọng nhất phản ánh năng lực thực thi chính sách của các bộ ngành, địa phương. Khi việc phân cấp, phân quyền đã rõ, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh, sử dụng đồng vốn hiệu quả trở thành chỉ tiêu đánh giá năng lực quản lý, sự quyết tâm và trách nhiệm chính trị trong triển khai các chủ trương của Chính phủ, địa phương.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm hay vốn bị “đọng”, sử dụng đồng vốn không hiệu quả chính là dấu hiệu của những hạn chế, điểm nghẽn thể chế, năng lực thực thi chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa đạt kỳ vọng. Nhiều vướng mắc, khó khăn đã được chỉ rõ: Chậm giải phóng mặt bằng do thiếu cơ sở dữ liệu đất đai, chính sách đền bù chưa hợp lý, thiếu quỹ tái định cư; quy hoạch chồng chéo; khó khăn về giá vật liệu xây dựng và năng lực nhà thầu yếu kém vẫn tồn tại... Những yếu tố này không chỉ cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công mà còn khiến dự án dơi vào tình trạng dang dở, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng vốn và gây áp lực điều hành cho chính quyền địa phương.
Vì thế trong bối cảnh phân cấp, phân quyền, đòi hỏi các cấp chính quyền tỉnh, xã phải thực sự nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn. Chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" giờ đây đã trở thành nguyên tắc vận hành quản lý nhà nước, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công. Việc tháo gỡ những điểm nghẽn không thể mang tính thụ động, không thể chờ chỉ đạo từ Trung ương, mà phải bắt đầu từ sự quyết tâm, sáng tạo và linh hoạt của chính quyền địa phương.
Năm 2025 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Vì thế, giải ngân vốn đầu tư công nhanh, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8% không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là yếu tố then chốt để tạo bứt phá trong năm cuối của kế hoạch, góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Trong bối cảnh phân cấp, phân quyền, giải ngân vốn đầu tư công chính là thước đo rõ ràng và sinh động nhất về năng lực thực thi chính sách của cán bộ, công chức, bộ máy nhà nước, là trách nhiệm không chỉ mang tính chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị để tạo nên bước phát triển bứt phá cho nền kinh tế trong năm bản lề đầy thử thách này.