Nội dung trên được nêu trong văn bản khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe của Cục Quản lý Môi trường y tế, ngày 7/1.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại (301–500) trong thời gian 3 ngày liên tiếp, các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học có thể xem xét cho học sinh nghỉ học. "Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp", Bộ Y tế lưu ý.
Bộ Y tế cũng khuyên những người nhạy cảm cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà. Đồng thời đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm, đồng thời theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Ở các mức độ còn lại, nhóm người nhạy cảm cần giảm hoặc hạn chế các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.
Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận những ngày qua có chiều hướng gia tăng. Có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí lên đến mức xấu, rất xấu và điển hình Hà Nội trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ IQAir, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội hôm nay là 264, thuộc mức "Rất không tốt". Nồng độ bụi mịn PM2.5 đạt 184.5 µg/m³. Tiếp đến là Thái Nguyên với chỉ số AQI ở mức 249, TP.HCM xếp thứ 3 với chỉ số AQI ở mức 193, mức đỏ "không lành mạnh".
Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe. Qua đó giúp người dân, nhất là những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.
Thông tin từ Tổ chức y tế thế giới, tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.