Đạo diễn Thanh Vân kể chuyện làm phim về những phụ nữ lái xe vượt Trường Sơn

23/02/2023, 08:52

Bình minh đỏ" - tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ các cô gái trong trung đội nữ lái xe đầu tiên và duy nhất ở Trường Sơn - do NSND Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn.

Tuần phim chào mừng Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 25/2 đến ngày 3/3 trên toàn quốc sẽ giới thiệu những bộ phim có chủ đề về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước con người Việt Nam. Có 10 bộ phim được trình chiếu, gồm 4 phim truyện, 4 phim tài liệu và 2 phim hoạt hình. Phim chiếu khai mạc là Bình minh đỏ của đạo diễn -  NSND Nguyễn Thanh Vân.

Đạo diễn Thanh Vân kể chuyện làm phim về những phụ nữ lái xe vượt Trường Sơn - 1

"Bình minh đỏ" của đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân được chiếu trong Tuần phim chào mừng “Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”.

Xoay quanh câu chuyện của 4 nhân vật Châu (Quỳnh Anh), Hân (Hoàng Bích Phương), Sa (Bảo Hân), Thương (Hà Phương Anh), Bình minh đỏ khắc hoạ hình ảnh những nữ chiến sỹ lái xe anh hùng. Họ là những cô gái còn rất trẻ, được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sỹ từ các chiến trường về hậu phương. 

Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân đã có những chia sẻ với phóng viên VTC News về bộ phim này.

- “Bình minh đỏ” sẽ được chiếu khai mạc "Tuần phim chào mừng Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam". Cảm xúc của ông thế nào khi đón nhận thông tin này?

Tôi nghĩ đó là vinh dự chung cho những người làm phim như chúng tôi. Khi đã làm ra một sản phẩm, nhất là sản phẩm nghệ thuật sử dụng nguồn tiền lớn của Nhà nước, chúng tôi luôn mong muốn tác phẩm công chiếu rộng rãi trong cộng đồng. Đây là cơ hội tốt để bộ phim lịch sử, đề tài chiến tranh đến được với đông đảo người xem.

-  Điều gì đã đưa ông đến với dự án phim về những nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn?

Thực sự những câu chuyện trong chiến tranh đều đặc biệt xúc động. Con người khi phải ở giữa sự sống và cái chết, ở khoảnh khắc sinh tử sẽ bộc lộ rõ nét nhất tính cách của mình. Trong hoàn cảnh ấy, chất con, chất người, những trạng thái cảm xúc, sự dũng cảm hay hèn nhát… đều rất mong manh. Đây chính là nguồn cảm hứng cho tôi khi làm phim.

Thế giới mong muốn hoà bình nên tiếng nói, đề tài về con người, chiến tranh vẫn có giá trị đến ngày hôm nay, nhất là ở Việt Nam khi cuộc chiến ấy mãi mãi ghi một dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc. Vì thế những tác phẩm này như lời nhắc nhở để thế hệ sau không bao giờ được phép quên những trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc.

Đạo diễn Thanh Vân kể chuyện làm phim về những phụ nữ lái xe vượt Trường Sơn - 2

Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân.

-  Trước khi làm phim này, ông có nhiều thời gian gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của những người phụ nữ trong trung đội nữ lái xe duy nhất ở Trường Sơn?

Bình minh đỏ không phải phim tài liệu. Đây là một tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ các cô trong trung đội nữ lái xe đầu tiên và duy nhất ở Trường Sơn. Tuy nhiên, để đảm bảo độ chân thực, trước khi thực hiện phim, tôi đọc và xem rất nhiều tài liệu về các nữ lái xe này. Chúng tôi còn gặp gỡ, trao đổi với các cô nhiều lần. Tôi cũng đưa diễn viên tiếp xúc với các cô, lắng nghe những gian khổ mà họ đã trải qua cũng như cảm nhận được những nỗi buồn rất nữ tính của cái nghề đặc biệt - lái xe vượt Trường Sơn.

Tôi được biết lái xe Trường Sơn hy sinh nhiều lắm, có những tiểu đoàn 120 xe nhưng sau cuộc chiến chỉ còn lại 30 xe, nghĩa là mất đến 70-80%. Bình minh đỏ có 4 nhân vật chính nhưng 3 người hy sinh. Bộ phim tuy lấy cảm hứng từ những nữ chiến sỹ lái xe nhưng là lời tri ân chung của chúng tôi đến những người lính lái xe đã hy sinh trên chặng đường Trường Sơn.

- Các diễn viên chính trong "Bình minh đỏ" rất trẻ, thậm chí chưa có kinh nghiệm đóng phim về đề tài chiến tranh. Tại sao ông lại lựa chọn họ?

Khi gặp các cô trong trung đội nữ lái xe, có cô 16-17 tuổi đã vào chiến trường, cứng tuổi một chút cũng chỉ trên dưới 20 thôi. Khi tuyển chọn diễn viên, tôi mong muốn lựa chọn những gương mặt trẻ, phải đúng tuổi như các cô thì mới thấy được sự hy sinh cao cả đó.

Khi ở tầm 16-17 tuổi, các cô gái mới bước ra khỏi tuổi thơ thôi, chưa thực sự trưởng thành, thế mà phải đối diện với sự tàn khốc của chiến tranh. Sự tương phản giữa hình ảnh các cô gái trẻ thơ ngây, lẽ ra được sống trong hoà bình, được yêu đương, được chọn công việc mình yêu thích với việc họ phải lao vào chiến trường sẽ khiến khán giả cảm nhận rõ hơn sự tàn khốc của chiến tranh.

Các diễn viên tham gia phim đã có trải nghiệm rất đặc biệt. Họ phải luyện tập hàng tháng trời với người hướng dẫn, từ chỗ chưa biết lái xe, kể cả xe con đến chỗ lái được các xe gas, xe zin như trong phim. Lái trên đường bằng để tập khác hoàn toàn lái với một quả nổ luôn ở bên cạnh, đường thì lên dốc, xuống dốc. Đó là  nỗ lực cực kỳ lớn của các diễn viên trẻ. Nếu họ không có tinh thần cống hiến, không thấu hiểu đời sống của các nữ chiến sỹ lái xe trong chiến tranh thì khó có thể hoàn thành tốt vai diễn.

Đạo diễn Thanh Vân kể chuyện làm phim về những phụ nữ lái xe vượt Trường Sơn - 3

"Bình minh đỏ" dựa trên câu chuyện về những nữ tài xế vượt Trường Sơn.

-  Ông và ê-kíp gửi gắm thông điệp gì qua bộ phim "Bình minh đỏ"?

Một xã hội mà lãng quên sự hy sinh của thế hệ đi trước thì sẽ rất nguy hiểm.

Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân

Tôi nghĩ thông điệp lớn nhất là không được lãng quên quá khứ, lãng quên những trang sử hào hùng, bi tráng đó. Chúng ta phải biết hàm ơn những thế hệ đi trước đã hy sinh để ngày hôm nay chúng ta được sống trong hoà bình, trong đời sống bình thường nhất của con người. Một xã hội mà lãng quên những sự hy sinh ấy sẽ rất nguy hiểm, sẽ mất đi cội rễ.

-  Làm phim đề tài chiến tranh cần rất nhiều nỗ lực nhưng dễ bị phán xét, vì sao anh vẫn quyết tâm thực hiện?

Đối với các phim về đề tài chiến tranh, lịch sử, các hãng phim tư nhân gần như không bao giờ làm. Làm phim về đề tài chiến tranh với chúng tôi là nghĩa vụ; nhưng hơn cả, chúng tôi cũng tìm được nguồn cảm xúc và khát khao sáng tạo trong đó.

Khi đọc kịch bản Bình minh đỏ, nghe những câu chuyện về các cô ở trung đoàn nữ lái xe, tôi rất xúc động. Chỉ riêng hình ảnh những cô gái rất nhỏ bé ngồi trên những chiếc xe đi trong chiến trường đã làm tôi rất cảm động. Hai điều đó cộng lại đã giúp tôi thực hiện được bộ phim.

Đạo diễn Thanh Vân kể chuyện làm phim về những phụ nữ lái xe vượt Trường Sơn - 4

Một hình ảnh trong phim

- Theo ông, làm thế nào để những bộ phim lịch sử thoát khỏi suy nghĩ mang tính quy chụp là để tuyên truyền?

Đây là một việc khó khăn. Nó không chỉ nằm trong phạm vi một bộ phim. Tôi nghĩ nó còn là mặt bằng xã hội, liên quan đến hệ thống chính trị, kinh tế, đặc biệt là xã hội, giáo dục. Một xã hội phải có sự cân bằng về mục đích sống, lý tưởng sống, cũng như đời sống vật chất, biết được các giá trị tinh thần, khi đó nó sẽ được tôn vinh. Điều này rất quan trọng ở hệ thống giáo dục. Khi một xã hội lành mạnh, hệ thống giáo dục, văn hoá có nền tảng tốt thì người ta mới hướng đến những giá trị cốt lõi, lịch sử.

Chỉ một bộ phim, một cá nhân không thể tạo được sức hút như kỳ vọng mà cần cả hệ thống. Đây là điều khó khăn. Tôi cũng biết điều này diễn ra không chỉ riêng ở Việt Nam. Trên thế giới, phim nghệ thuật, lịch sử, chiến tranh cũng không có doanh thu cao, không dễ dàng phát hành thu hồi vốn vì chi phí rất lớn. Thực hiện những bộ phim này là nhiệm vụ chính trị xã hội nhưng nếu đông khán giả đến xem thì đó là điều đáng mừng và rất cần thiết.

- Cảm ơn NSND Nguyễn Thanh Vân.

Lê Chi(Thực hiện)

Bài liên quan
Lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam: Nhiều tồn đọng, thêm thư kiến nghị
Gần 8 năm sau cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, quá trình này chưa hoàn tất và gây nhiều tranh cãi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hùng tráng Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra hùng tráng, trang trọng vào sáng nay (7/5) tại Sân vận động tỉnh Điện Biên (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ).
  • Hải quân Nhân dân Việt Nam - 69 năm một lòng giữ biển
    VOVLIVE - 69 năm một lòng giữ biển, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trở thành Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, với đầy đủ các thành phần lực lượng, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
  • Xô đổ mọi kỷ lục, giá vàng lập đỉnh mới 87 triệu đồng/lượng
    Giá vàng miếng sáng nay 7/5 lại lập đỉnh mới khi đạt 87 triệu đồng/lượng, đây là mức giá đắt nhất từ trước đến nay.
  • Hình ảnh diễu binh ấn tượng tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra vào 7h45 sáng nay (7/5) tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Những hình ảnh ấn tượng dưới đây được phóng viên VOV ghi lại trên sân vận động tỉnh Điện Biên.
Mới nhất