Đà Nẵng khẩn trương hỗ trợ người bị nạn, khắc phục thiệt hại do mưa lũ

Thanh Hà/VOV-Miền Trung | 16/10/2022, 20:46

Đà Nẵng ngày 16/10 trời tạnh mưa, hửng nắng tạo điều kiện cho người dân khắc phục thiệt hại sau đợt mưa đặc biệt lớn vừa qua.

Chiều 16/10, người thân và bà con xóm nghèo trong hẻm 264/94/90, đường Đà Sơn 2, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu xót xa tiễn đưa 2 cha con anh Hồ Trung Dũng, Hồ Minh Phát bị lũ cuốn trôi đêm 14/10 về nơi yên nghỉ.

Thi thể anh Hồ Trung Dũng, 46 tuổi mới được lực lượng Quân đội, Công an tìm thấy sáng nay trong một bụi cây gần nhà. Còn cháu Hồ Minh Phát, con trai anh Dũng đã tìm thấy vào chiều qua sau trận lũ kinh hoàng.

Thượng úy Lê Minh Mẫn, cán bộ Tiểu đoàn 409, Quân khu 5 là một trong những người trực tiếp cứu dân ở khu vực này từ đêm 14/10 đến nay cho biết, đêm đó, anh cùng đồng đội đưa người dân bị lũ vây ở khu vực trước lò mổ Đà Sơn thì cứu được vợ anh Dũng lúc chị đang bu bám vào mấy bụi chuối ở đầu hiên nhà.

“Khi vớt được chị vợ vào, hỏi thăm thì mới biết chồng và con đã trôi mất. Sau khi đưa hết dân khu vực đó ra được thì đã 2h sáng. Lực lượng tìm kiếm đến chiều qua thì tìm được thi thể người con. Đến sáng nay, phát bụi cây thì tìm được người chồng cách đó 2 mét. Hiện bộ đội đổ đá mini để làm đường vào nhà, tổ chức tang lễ”, Thượng úy Lê Minh Mẫn cho biết.

Khu vực hẻm 264/94/90, đường Đà Sơn 2 là một xóm nghèo, nhà cửa do dân mua giấy trao tay tự xây dựng trái phép nên cơ sở hạ tầng thoát nước không có, đường sá quanh co lại gần con suối nên dễ bị tổn thương khi xảy ra mưa lớn. Đã 2 ngày trôi qua sau trận lũ kinh hoàng, cả xóm nghèo vẫn còn thất thần, mọi người lượm lặt, tỉ mẩn lau chùi những thứ còn sót lại.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở số nhà H94/90 A, đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu đắp lại bờ tường, đóng lại chiếc giường vừa bị lũ cuốn bay trong lòng ngổn ngang nỗi lo: “Nước lũ cao trên 2 mét, tụi em coi như trắng tay, lũ lên quá nhanh không kịp trở tay. May hôm qua hôm nay, anh em bộ đội giúp đỡ sửa sang lại. Bây giờ cũng phải dựng tạm lại ở chứ làm sao bây giờ đây. Tài sản làm lụng bao nhiêu năm nay, ti vi tủ lạnh không còn gì. Xe máy, đồ đạc gì cũng nhúng nước hết”.

Chỉ riêng quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, đợt mưa lũ đặc biệt lớn vừa qua đã làm 4 người chết. Thiệt hại tài sản của người dân quá lớn. 2 ngày nay, UBND quận Liên Chiểu huy động các lực lượng Công an, Quân đội hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn, sửa sang đường sá, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Quận trích ngân sách mua lương thực, thực phẩm giúp người nghèo, những gia đình bị ướt hết lương thực, thực phẩm. 

Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, quận đã hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống cho 5 phường trên địa bàn quận kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau thiên tai.

“Hiện nay, khối lượng bùn đất, rác sau lũ rất nhiều, quận rất mong các lực lượng quân đội tiếp tục giúp đỡ về lực lượng giống như đợt bão số 4 vừa rồi. Quận cũng đề nghị thành phố cho ý kiến để quận hỗ trợ 20 tấn gạo cho 25 ngàn hộ gia đình đã bị ngập”, ông Nguyễn Đăng Huy nói.

Đến trưa nay, đường sắt Bắc - Nam qua khu vực Đà Nẵng - Huế đã thông đường sau nhiều giờ sửa chữa, khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Đường bộ qua hầm Hải Vân cũng đã thông tuyến vào 15h chiều qua, sớm hơn dự kiến 3 tiếng đồng hồ.

Hiện, các quận, huyện ở thành phố Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không chủ quan, chủ động ứng phó với mưa bão cực đoan trong những ngày tới.

Sáng nay, đại diện Lãnh đạo thành phố đã đến thăm hỏi, động viên 3 gia đình có người thân tử vong trong đợt mưa lũ lớn vừa qua.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo sát diễn biến tình hình mưa lũ trên các sông để sớm thông báo cho người dân các địa phương, đặc biệt là huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, những vùng ven sông Vu Gia để có phương án ứng phó kịp thời.

"Cùng với đó, tất cả các phương án kịch bản đã có hết rồi nên tính chủ động của địa phương là quan trọng nhất. Các địa phương tập trung vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh sau lũ; đồng thời tiếp tục huy động tất cả các lực lượng ra quân phối hợp với lực lượng tại chỗ dọn dẹp ngay” - ông Sơn nói./.

Bài liên quan
"Một quốc gia CNH - HĐH cần phát triển đường sắt tốc độ cao"
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, một quốc gia công nghiệp hoá, hiện đại hóa cần phát triển đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất