"Cựu" F0 ăn gì để không tái mắc Covid -19

Phạm Trang/VOV2 | 16/03/2022, 08:39

Dinh dưỡng phục hồi sức khỏe sau khi mắc Covid-19 được nhiều người quan tâm, không ít người cho rằng việc ăn uống đủ chất trong giai đoạn này còn giúp tăng sức đề kháng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ virus SARS- CoV-2 có thể tấn công trở lại.

Đã khỏi Covid-19 được hơn 2 tuần nhưng bà Lê Thúy Vân – 65 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội vẫn chưa thể quên cảm giác mệt mỏi và lo sợ vì bệnh dịch. Vốn cao tuổi và có bệnh nền, trong suốt thời gian điều trị tại nhà, bà Vân xuất hiện đầy đủ các triệu chứng đặc trưng của Covid-19, việc nôn nhiều và tiêu chảy khiến bà kiệt sức và khó thở.

Giờ đây, bà Vân vẫn cảm thấy yếu và việc ăn uống không phải lúc nào cũng ngon miện. "Sau khi bị Covid-19, bệnh sỏi mật của mình đau hơn trước, đói cũng đau mà ăn hơi no hơn cũng bị đau, mặc dù mình chỉ ăn có nửa bát cơm thôi cũng đau, nên đành ăn thêm các bữa phụ để đảm bảo dinh dưỡng. Mọi người nói bị Covid-19 xong có thể tăng cân nhưng bản thân mình giảm gần 2 kg", bà Vân nói.

Thế nhưng, điều mà bà Thúy Vân lo lắng hơn cả là sự trở lại của virus khiến bà có thể tái nhiễm, bởi xung quanh bà, đã có những người thân, bạn bè bị mắc Covid-19 lần 2. Chính vì thế, bà Vân rất chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, giúp bà nâng cao hệ miễn dịch. 

Còn với bà Nguyễn Thị Lan ở quận Tây Hồ- Hà Nội, Covid-19 đã trở thành nỗi ác mộng khi mà chỉ trong vòng 2 tháng qua bà đã bị nhiễm virus tới 2 lần. 

Khi dịch bệnh xuất hiện, người dân đã chú ý hơn đến chuyện ăn uống để có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, để có một cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, việc thực hành dinh dưỡng cần tuân theo các nguyên tắc nhất định.

PGS- TS Nguyễn Quang Dũng- Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm- ĐH Y Hà Nội cho biết: mỗi cá nhân cần có đủ lượng chất dinh dưỡng để tăng cường hệ thống miễn dịch. Các vitamin như D, A, B6 và B12, C và E, cũng như các khoáng chất như kẽm, selen, sắt và đồng, cùng với các axit amin và sự kết hợp phù hợp của các chất dinh dưỡng đa lượng bao gồm carbs, protein và chất béo là điều cần thiết để nâng cao hệ thống miễn dịch. Trong số đó, vitamin D là quan trọng hơn cả đối với việc thúc đẩy hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Trái cây họ cam quýt, ớt đỏ, bông cải xanh, kiwi, dâu tây là những thực phẩm giàu vitamin C. Trái cây củ quả có màu đỏ, màu vàng, da cam như đu đủ, bí ngô, cà rốt, cà chua, khoai lang, gấc, xoài thì chứa nhiều beta caroten. Chúng ta đảm bảo ăn 5-7 phần rau tương đương 4-5 lạng rau và trái cây mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ các vitamin. Nên chú ý ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm từ hải sản như thịt bò, thịt lợn, ngũ cốc tăng cường chất kẽm. Thực phẩm cung cấp đủ protein từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ cũng là thực phẩm chúng ta nên chú ý để tăng cường miễn dịch. Chúng ta sử dụng đồ uống có cồn một cách vừa phải – PGS Nguyễn Quang Dũng khuyến cáo.

Còn một lưu ý nữa, khi nói đến câu chuyện tăng đề kháng, đa phần sẽ nghĩ đến một sản phẩm bổ sung chứ không phải là một chế độ dinh dưỡng. Nhưng trên thực tế thì không có sản phẩm nào đáp ứng yêu cầu này trong thời gian ngắn.

"Mỗi thực phẩm chỉ chứa chất dinh dưỡng này nhưng không chứa chất dinh dưỡng khác, nếu chúng ta chỉ ăn một loại thực phẩm ngày này qua ngày khác thì dẫn đến sự đơn điệu, sự nhàm chán, khó ăn và không có đủ các chất dinh dưỡng mà chúng ta cần", PGS Nguyễn Quang Dũng giải thích.

Đây là sai lầm trong việc thực hành dinh dưỡng cần phải thay đổi để chúng ta có thể xây dựng một hàng rào bảo vệ vững chắc, giúp tăng cường sức khỏe, chống lại sự tấn công của virus gây bệnh, nhất là với những người đã từng mắc Covid-19.

Các chất dinh dưỡng từ mỗi thực phẩm khác nhau sẽ bổ trợ, giúp cơ thể có đủ chất dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch. Mặc dù rau, trái cây cung cấp nhiều vitamin C, vitamin A nhưng cơ thể cần cả protein nữa. Cơ thể mỗi người cũng cần cả chất béo và giàu thực vật, mỡ động vật, cùng với đó là tinh bột từ gạo, lúa mì, yến mạch…. Nếu chỉ dựa vào mỗi vitamin và chất khoáng là chưa đủ. Chúng ta cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng như các chất sinh đạm, đường béo và các chất không sinh năng lượng như vitamin, chất khoáng .../.

Bài liên quan
Loại thực phẩm mọc mầm, chẳng những không độc mà còn gấp đôi dinh dưỡng
Không phải bất kỳ loại thực phẩm nào nảy mầm cũng đều có hại cho sức khỏe, một số loại có giá trị dinh dưỡng tăng gấp đôi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Nhân chứng nổ lò hơi ở Đồng Nai: Ám ảnh cảnh đồng nghiệp nằm bất động khắp nơi
Nhiều nhân chứng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc lò hơi của công ty gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) phát nổ, thổi bay tất cả mọi thứ.
Mới nhất