Còn nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch HIV

Thiên Bình/VOV.VN | 05/12/2023, 09:40

Từ đầu năm đến tháng  9/2023, Việt Nam phát hiện thêm hơn 10.000 trường hợp dương tính với HIV, hơn 1.000 trường hợp tử vong. Toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước có người nhiễm HIV/AIDS.

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV và khoảng hơn 200.000 người Việt Nam không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Thành quả và thách thức

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 33 năm đương đầu với dịch HIV/AIDS, đồng thời, luôn được thế giới đánh giá cao với nhiều thành quả đáng nể khi đặt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao không chỉ về sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mà còn có cam kết chính trị rất mạnh mẽ và kịp thời của lãnh đạo các cấp; là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu trong thời gian qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cũng đang phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại, nếu chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.

Để đảm bảo các chương trình hoạt động bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật. Sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt từ đó Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Phải tăng ngân sách phòng, chống HIV/AIDS

PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục Trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, thời gian qua, cùng với khó khăn chung của cả ngành y tế, công tác phòng chống HIV cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng khó khăn về cung ứng sinh phẩm, thuốc men cũng liên tục xảy ra sau dịch COVID-19.

“Chúng tôi đã phải rất nỗ lực cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các nhà tài trợ phối hợp để đảm bảo phân phối các nguồn thuốc kịp thời, không làm gián đoạn điều trị cho người bệnh. Bởi với người đang điều trị bằng thuốc ARV, chỉ cần bị gián đoạn điều trị trong vòng trên 2 tuần là đã có thể phải chuyển đổi phác đồ điều trị, trong khi đó thuốc trong phác đồ điều trị bậc 2 có thể đắt gấp 10 lần phác đồ bậc 1 (phác đồ thông thường bệnh nhân sử dụng).

Thậm chí không có phác đồ bậc 2 thì người bệnh có thể dễ kháng với phác đồ và phải chuyển lên bậc 3 mà hiện Việt Nam chưa có phác đồ bậc 3, sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực phòng chống HIV cũng gặp phải tình trạng thiếu nguồn lực, nhân lực; nhất là nhiều cán bộ vốn đã được đào tạo chuyên sâu phải chuyển sang các lĩnh vực mới, chúng tôi lại phải đào tạo tiếp cho những cán bộ mới”, bà Hương cho biết cụ thể.

Cũng theo bài Phan Thị Thu Hương, tài chính cho chương trình trong giai đoạn 10 năm từ năm 2012 - 2022 đã có nhiều thay đổi, nếu ngân sách viện trợ quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang bị sụt giảm rất lớn, Việt Nam phải tăng nguồn ngân sách trong nước cho các hoạt động.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng đang đối mặt với một số các thách thức về tài chính bền vững như: Viện trợ quốc tế đã chuyển đổi cơ chế hỗ trợ từ cung cấp dịch vụ trực tiếp sang hỗ trợ kỹ thuật; địa bàn hỗ trợ cũng chỉ tập trung tại một số tỉnh trọng điểm lớn và có lộ trình chấm dứt viện trợ sau năm 2030.

Trong khi đó, ngân sách trong nước phân cấp chi theo Luật ngân sách và đến nay vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố chưa phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; tới 52/63 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt nội dung chi và định mức chi cho HIV/AIDS.

Trước những khó khăn đó, dịch HIV lại đang có nhiều thay đổi, số ca được phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ; đặc biệt ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ. Độ bao phủ của các dịch vụ cũng chưa đáp ứng các mục tiêu được kỳ vọng. 

Theo Bộ Y tế, những thách thức này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết tâm, cùng hành động mới có thể đạt được mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030.

Bài liên quan
Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỉ đồng từ quảng cáo trực tuyến trong năm 2023
VOVLIVE - Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Tiktok... Năm 2023, các nền tảng này chiếm 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng
VOVLIVE - Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh".
Mới nhất