Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm nhiễm sán, ấu trùng từ thức ăn sống

Nguyễn Hà/VOV.VN | 10/07/2024, 14:40

Những thói quen ăn uống từ thực vật và động vật chưa nấu chín, trong đó các món gỏi, cá sống, gỏi sinh cầm... dễ có nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ; Còn ăn nem chua, nem chạo, thịt lợn tái thì nhiễm sán lá gan lớn; Ăn rau thủy sinh trồng dưới ao hồ như ngổ, muống, cần, diếp cá, xà lách có thể nhiễm sán lá gan lớn, sán lá phổi...

Hệ lụy khi ăn đồ sống

Bệnh sán lá gan nhỏ gây viêm đường mật, viêm túi mật, gây sỏi mật, xơ gan, xơ hóa đường mật, ung thư đường mật.

Các điều tra dịch tễ cho thấy bệnh sán lá gan nhỏ thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam với ước tính khoảng 1 triệu người nhiễm bệnh. Còn bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 tỉnh thành trong cả nước, trong những năm gần đây ghi nhận khoảng 10-15 nghìn ca bệnh/năm.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng , Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, những năm gần đây viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nhiễm sán, ấu trùng, ký sinh trùng trong đó chủ yếu là bệnh nhân có thói quen ăn gỏi cá tôm, ăn đồ sống, ăn nem chua, nem chạo, rau sống.

“Ca bệnh nhiều nhất hiện nay vẫn là các bệnh lý liên quan đến ký sinh trùng. Mỗi năm có khoảng hơn 30.000 ca được điều trị liên quan đến bệnh giun đũa chó mèo, và liên quan đến thói quen ăn uống từ thực phẩm chưa nấu chín như: ăn gỏi, ăn cá sống, gỏi sinh cầm, gỏi thủy cầm, ăn rau sống, nem chua, nem chạo”, PGS.TS.BS Đỗ Trung Dũng nói.

Phân tích về những hệ lụy khi ăn đồ sống, bác sĩ Dũng cho biết, bệnh sán lá gan lớn gây nên bởi một trong hai loại ký sinh trùng ký sinh ở động vật như trâu bò, lợn, cừu… Ấu trùng sán lá gan lớn từ chất thải của những động vật bị ký sinh này dễ phát tán ra môi trường, sẽ bám vào các loại rau trồng dưới nước hay còn gọi là rau thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống, rau diếp cá, ngó sen… Khi người ăn sống các loại rau thủy sinh có ấu trùng sán lá gan lớn sẽ bị nhiễm bệnh.

Cũng theo bác sĩ Dũng, khi chúng ta rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch cũng không tách ấu trùng ra được, vì chúng ký sinh và bám rất chặt vào vỏ thân cây và mắt thường khó nhìn thấy.

“Do đó, để loại bỏ ấu trùng ra khỏi rau sống, chúng tôi phải ngâm rau sống vào hóa chất, dùng máy ly tâm mới tách ra được. Còn trong các nghiên cứu, để tìm sán lá gan lớn ở trên các thực vật thủy sinh, chúng tôi phải cho một số hóa chất đặc thù vào rau, sau đó cho vào máy ly tâm một thời gian nhất định, cho vào máy soi sẽ thấy ấu trùng sán lá gan lớn”, PGS.TS.BS Đỗ Trung Dũng nhấn mạnh

Nên tập thói quen ăn chín uống sôi

Những thói quen ăn uống từ thực vật và động vật chưa nấu chín, trong đó các món gỏi, cá sống, gỏi sinh cầm... dễ có nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ; Còn ăn nem chua, nem chạo, thịt lợn tái thì nhiễm sán lá gan lớn; Ăn rau thủy sinh trồng dưới ao hồ như ngổ, muống, cần, diếp cá, xà lách có thể nhiễm sán lá gan lớn, sán lá phổi; hay nhiễm ấu trùng sán lợn tùy loại thực phẩm.

Theo bác sĩ Dũng, sán lá gan lớn khi vào cơ thể theo đường ăn uống, chúng sẽ nở thành ấu trùng, ký sinh trong cơ thể rồi di chuyển đến nhu mô gan, gây ra các áp xe gan, tổn thương gan. Ngoài ra các ấu trùng sán lá gan lớn có thể đi lạc chỗ đến các cơ quan khác.

“Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân có sán lá gan lớn ký sinh ở nách, mạc treo trên cơ thành ngực, cơ thành bụng lớn... Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn có triệu chứng đau tức vùng gan mà trước đó được chẩn đoán nhầm là ung thư gan, u gan... Tuy nhiên khi đến đây, chúng tôi thực hiện các xét nghiệm và phát hiện sán lá gan, sau đó tiến hành điều trị một vài đợt khá hiệu quả. Có trường hợp khối u trong gan dần dần biến mất”, bác sĩ Dũng nói.

Cũng theo bác sĩ Dũng, sán lá gan lớn thường ký sinh ở các loại rau trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, cải xoong, ngó sen... Sán lá gan lớn nếu đun sôi 1 vài phút sẽ chết, nhưng khi ăn các thực phẩm này chưa được nấu chín, nguy cơ nhiễm sán rất cao. Khi ăn phải trứng của sán dây lợn qua thức ăn thì sẽ bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Ấu trùng sán lợn đi vào cơ thể sẽ ký sinh ở những bộ phận thích hợp và có thể lạc chỗ tới não, phổi, gan, thận, cơ vân… rất nguy hiểm.

Ngoài ra, thói quen ăn thịt bò, thịt lợn tái, sống là nguy cơ lớn dẫn đến nhiễm sán trưởng thành hoặc ấu trùng sán ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Các chuyên gia cảnh báo, những người nhiễm sán dây bò, sán dây chó là do ăn thực phẩm có nhiễm nang sán chưa được nấu chín. Những món bò tái cuốn lá cải, bò tái chanh… đều không tiêu diệt được sán bởi nước chanh, do đó sẽ không giúp diệt ấu trùng sán bên trong thịt.

Do vậy, người dân nên ăn chín uống sôi, không nên ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Bài liên quan
Xu hướng tiêu dùng hiện đại: Sức hút từ các sản phẩm gia dụng chất lượng Đức của Rapido
VOVLIVE - Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, người tiêu dùng sẽ ngày càng quan tâm đến các sản phẩm gia dụng cao cấp, mang lại sự tiện nghi và hiện đại cho không gian sống. Một trong những thương hiệu đang được ưa chuộng là Rapido - thương hiệu chất lượng Đức với các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy hiện đại với chất lượng vượt trội và giá thành hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
VOVLIVE - Trưa ngày 21/11, ngay sau Lễ đón trọng thể tại Phủ Thủ tướng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Mới nhất