Chủ tịch Quốc hội: Ngăn rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước”

15/08/2023, 21:32

Theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi phát biểu bế mạc phiên chất vấn đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ NN&PTNT tại Phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8.

Kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành tư pháp đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và quan trọng.

Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và có đổi mới cách thức tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, bám sát Kết luận 19, Kế hoạch 81 và Luật Ban hành văn bản QPPL. Công tác thẩm định các dự án luật, nghị quyết của Bộ Tư pháp có nền nếp, trách nhiệm và chất lượng.  

Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện các văn bản có sai sót, vi phạm quy định về thể thức, nội dung, thẩm quyền; số lượng văn bản được xử lý cao so với giai đoạn trước, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản được nâng lên cả ở Trung ương và địa phương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

Về cơ bản, việc thực hiện giám định tư pháp đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tố tụng. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp được quan tâm củng cố; cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động giám định được quan tâm đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngành tư pháp vẫn còn những hạn chế. Như một số dự án chưa được nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách nên chưa được xem xét bổ sung vào chương trình; có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ (như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)). Chất lượng một số dự án luật chưa cao, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo hoặc quy định không rõ ràng, khó tổ chức thi hành. Còn nợ nhiều văn bản...

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Tập trung khắc phục cơ bản tình trạng chậm hồ sơ, đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội không phù hợp với quy định Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản QPPL. Kiên quyết không đề nghị bổ sung dự án luật, nghị quyết vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách đã có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

 “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận công chức pháp chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KTXH của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Các cân đối cung - cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc; nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt, thuỷ sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan và địa phương ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, quy định của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU); tạo cơ sở pháp lý để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và phù hợp với các thông lệ quốc có liên quan

Tuy nhiên, ngành NN&PTNT hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. Củng cố các thị trường hiện có, khai mở các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với đó theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao; ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước”.

Cần lấy yếu tố bảm bảo chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”. Phối hợp với bộ, ngành, địa phương quản lý, điều phối công tác thu mua, chế biến, bảo quản lúa gạo, đảm bảo ổn định thị trường trong nước, hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.

Ngoài ra khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp...

“Tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị ĐBQH, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
ĐBQH ủng hộ "cách mạng" tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị
VOVLIVE - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu thẳng thắn cho rằng, thực tế, bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, nhiều bộ phận hoạt động không hiệu quả, gây ra lãng phí và đây là thời điểm thích hợp để thực thiện chủ trương "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu.
Mới nhất