Trời còn chưa sáng, khu vườn của ông Đặng Văn Phú (thôn Chính, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã rộn rã tiếng người giục nhau thu hoạch vải thiều để chuẩn bị giao cho khách ngay từ hàng sớm.
Với trang bị đơn giản là găng tay và một chiếc đèn pin đeo trên trán, mọi người thoăn thoắt bẻ từng chùm vải chín mọng trên cây.
Để chất lượng quả được tươi ngon nhất, kịp thời giao cho khách hàng, người trồng vải ở Lục Ngạn phải thu hoạch từ lúc trời còn chưa rõ mặt người.
Bà Minh (vợ ông Phú) cho biết, do hôm nay, lượng vải được khách đặt mua lên tới hơn 4 tấn nên gia đình bà phải thu hoạch sớm hơn mọi ngày.
Mỗi ngày, bà phải thuê 10 người thu hoạch với tiền công 400.000 đồng/người/ngày.
Những người được thuê sẽ cam kết với chủ vườn làm việc đến khi thu hoạch xong. Để có thể làm công việc này, họ phải gác hết việc nhà, làm không kể ngày đêm, nắng mưa.
Vải sau khi hái sẽ được phân loại, đóng gói.
Khu vườn của ông Đặng Văn Phú rộng tới 4 mẫu với 500 gốc cây vải được trồng từ năm 1990. Sản lượng vải năm nay ước tính lên tới 25 tấn.
Với sản lượng vải thu hoạch được, gia đình ông Phú có thể thu về hơn 800 triệu đồng.
Giống vải đang được thu hoạch là vải u hồng chín sớm. Giá thu mua tại vườn dao động 35.000 - 60.000 đồng/kg.
Với hơn 500 gốc vải, ông Phú dự kiến thời gian thu hoạch có thể kéo dài tới cuối tháng 6.
Năm nay, vườn ông Phú là một trong số ít vườn vải tại huyện Lục Ngạn may mắn có tỷ lệ cây đậu trái cao.
Những quả vải tại vườn ông Phú có nước da sáng, không sâu cuống nên được nhiều khách hàng ưa chuộng đặt mua xuất khẩu sang Trung Quốc, thậm chí đi theo đường hàng không đến các thị trường châu Âu.
Sau hơn 6 ngày thu hoạch, ông Phú đã bán được hơn 10 tấn quả.
Theo ông Phú, mặc dù năm nay phần lớn là mất mùa nhưng giá vải thiều cũng không được như người trồng mong muốn. Cũng vì thế, mức thu nhập của nông dân cũng giảm mạnh.