Chính sách cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ lung lay trước sức ép từ Nga và phương Tây

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: The Conversation | 29/10/2023, 11:15

Chính sách cân bằng mong manh của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Ukraine dường như đang vấp phải sự mất kiên nhẫn ngày càng gia tăng ở Washington và Moscow.

Nga và phương Tây dần mất kiên nhẫn

Ngay từ đầu xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện chính sách cân bằng mong manh, xây dựng hình ảnh như một đối tác của các bên xung đột, đồng thời tranh thủ hưởng lợi kinh tế và chính trị trong mối quan hệ với cả hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và mở rộng sự hỗ trợ ngoại giao cũng như vật chất cho Ukraine. Cùng lúc đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết định sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm chống lại Nga hoặc cắt đứt quan hệ với Moscow.

Tuy nhiên, thái độ trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Ukraine dường như đang vấp phải sự mất kiên nhẫn ngày càng gia tăng ở Washington và Moscow, khiến cho Ankara khó tiếp tục duy trì chính sách này trong bối cảnh địa chính trị dịch chuyển hiện nay.

Tháng 9/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã áp trừng phạt lên các công ty và một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc đã hỗ trợ Nga phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, ông Erdogan không thể khôi phục thỏa thuận với Tổng thống Vladimir Putin nhằm cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua các Eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như làm giảm giá lương thực toàn cầu.

Những diễn biến trên đã cho thấy cả Washington và Moscow đều đang tìm cách gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đưa ra một lập trường rõ ràng. Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy lập trường của ông Erdogan dường như bắt đầu lung lay. Ngày 25/10, Tổng thống Erdogan đã ký nghị định thư về việc Thụy Điển gia nhập NATO và chuyển lên để Quốc hội thông qua mặc dù trước đó Ankara từ chối thực hiện điều này.

Động thái trên có thể được hiểu như một dấu hiệu cho thấy chiến lược cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ đang chạm tới giới hạn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một bước đi chiến thuật khác trong ván cờ địa chính trị của ông Erdogan khi ông tìm cách định vị Thổ Nhĩ Kỳ như một nhân tố ngoại giao giữa bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Tổng thống Erdogan đã đi trên sợi dây mong manh giữa các cam kết của nước này với tư cách là một thành viên NATO và sự phụ thuộc vào Nga về thương mại, các nguồn lực kinh tế và xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên, khi xung đột càng kéo dài thì chính sách cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ càng khó thực hiện.

Chiến lược người trung gian

Hướng tiếp cận của Tổng thống Erdogan có mối liên hệ với xu hướng chính sách ngoại giao lịch sử lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước Tây Âu và Nga kể từ khi Moscow đóng vai trò như một nhân tố khu vực có ảnh hưởng dọc biên giới phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ đầu thế kỷ 18.

Chính sách cân bằng đó đã giúp cho Đế chế Ottoman tồn tại trong thế kỷ 19 mà không hề hấn gì bất chấp sức ép gia tăng từ Đế chế Nga và các nước châu Âu. Việc không thể duy trì chiến lược cân bằng trong Thế chiến I đã phần nào dẫn đến sự sụp đổ của đế chế này. Trái lại, trong Thế chiến II, chiến lược trung lập đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ đi qua cuộc chiến mà không bị tổn hại.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định tìm kiếm các đảm bảo an ninh từ phương Tây và gia nhập NATO năm 1952.

Sau khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, Ankara đã thúc đẩy sự tự chủ về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nước này thiếu các nguồn lực kinh tế và quân sự cũng như ý chí chính trị trong nước để thực hiện đầy đủ tham vọng này, dẫn đến sự liên kết với các chính sách của Mỹ ở Trung Đông và Balkan cho đến đầu những năm 2010.

Sự ủng hộ của Mỹ với lực lượng người Kurd ở phía Bắc Syria, được cho là có liên hệ với lực lượng ly khai Đảng Công nhân người Kurd và cuộc đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh dấu sự rạn nứt trong quan hệ giữa Washington và Ankara. Đổ lỗi cho Mỹ và các nước vùng Vịnh làm phức tạp thêm cuộc đảo chính, ông Erdogan bắt đầu quay sang hợp tác với Tổng thống Putin. Việc Ankara mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất đã dẫn đến việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35 và áp trừng phạt lên ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở nên thân thiết hơn với Nga khi can thiệp vào Syria và bị cho là "đối tác không tác tin cậy" trong NATO.

Dù vậy, khi mối quan hệ với Nga trục trặc thì Thổ Nhĩ Kỳ lại tìm kiếm quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden do dự nối lại quan hệ do những mối lo ngại về thái độ của ông Erdogan.

Chính sách cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ

Xung đột ở Ukraine đã mang đến một cú hích mới cho chính sách cân bằng của Tổng thống Erdogan. Việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát 2 eo biển quan trọng và thiết lập quan hệ với Ukraine cũng như các quốc gia khác dọc Biển Đen đã mang đến ảnh hưởng đáng kể cho hướng tiếp cận trung lập và đa diện của Ankara. Tổng thống Erdogan hy vọng, việc duy trì quan hệ thương mại với Nga và bán vũ khí cho Ukraine sẽ thúc đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn và xây dựng lại hình ảnh nước này trong mắt phương Tây.

Việc trước đó Tổng thống Erdogan ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO đã gây ra sự bất mãn ở Washington và Brussels.

Tuy nhiên, do đang cần sự ủng hộ tài chính và chính trị, Tổng thống Erdogan đã quay sang phương Tây và các nước vùng Vịnh. Ông thông qua việc Phần Lan gia nhập NATO và thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế với Saudi Arabia cũng như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - 2 đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Vào mùa hè năm 2023, Tổng thống Erdogan thông báo một nội các mới với quan điểm ủng hộ phương Tây. Ông hàn gắn quan hệ với Ai Cập - một đối thủ trong khu vực của Ankara, liên kết với sự cân bằng quyền lực mới mà theo đó Mỹ và các nước khu vực đang định hình ở Trung Đông. Sau đó, vào tháng 7/2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, ông Erdogan thông báo rút lại việc phủ quyết Thụy Điển gia nhập NATO.

Các động thái "thân phương Tây" của ông Erdogan đã khiến lãnh đạo các nước này lạc quan thận trọng khi sử dụng cả các biện pháp khuyến khích và trừng phạt, theo đó vừa mở rộng một khoản tín dụng 35 tỷ USD của World Bank để hỗ trợ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vừa trừng phạt các thực thể của Ankara đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Động thái trừng phạt này có thể được coi là một thông điệp gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ về việc cần có một lập trường rõ ràng hơn trong chính sách đối ngoại.

Tổng thống Erdogan cũng nhận được thông điệp tương tự từ Tổng thống Putin. Thất vọng trước việc Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn quan hệ với phương Tây, Moscow quyết định không làm mới thỏa thuận ngũ cốc Ukraine bất chấp việc trước đó Tổng thống Erdogan đóng vai trò trung gian thành công. Đây lầ một đòn giáng mạnh vào ông Erdogan - người luôn tìm cách xây dựng hình ảnh như một nhân tố trung gian hòa giải quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Mặc dù ông Erdogan đối mặt với phản ứng từ Mỹ và Nga nhưng điều này không có nghĩa là chính sách cân bằng của Ankara sẽ thất bại. Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ ở giữa hai lục địa Á - Âu và mối quan hệ lịch sử với các nước láng giềng đã mang tới cho nước này cơ hội để duy trì và thậm chí mở rộng chiến lược trung gian giữa các nhân tố khu vực và toàn cầu.

Những diễn biến ở khu vực Nam Kavkaz và leo thang căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza là hai minh chứng gần đây cho điều đó. Những diễn biến này gia tăng sự phức tạp cho chính sách cân bằng của ông Erdogan nhưng cũng đồng thời tạo thêm không gian để nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chính sách. Ankara ủng hộ các hành động quân sự của Azerbaihan ở khu vực Nagorno - Karabakh - nơi tầm ảnh hưởng của Nga đang suy giảm và đánh dấu bước lùi địa chính trị của Iran. Trong khi đó, mối quan hệ của ông Erdogan với cả Hamas và chính phủ Israel sẽ mang đến cho ông cơ hội đóng vai trò trung gian hòa giải ở đây.

Bài liên quan
Phương Tây trì hoãn viện trợ cho Ukraine khiến Nga càng có lợi thế
VOVLIVE - Tình trạng thiếu hụt đạn dược của Ukraine vẫn tiếp diễn bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng nhận thức rõ về cái giá của sự trì hoãn. Trong khi đó, các lực lượng của Moscow hiện đang phóng số lượng đạn pháo gấp 7 lần đối phương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng kiểm tra dự án giao thông trọng điểm tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định
Sáng 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Mới nhất