Cần chính sách vượt trội khuyến khích doanh nghiệp công nghệ

Lê Hoàng/VOV.VN | 13/02/2025, 17:00

Sáng 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương và 20 điều, bao gồm 2 nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoạt động chuyển đổi số quốc gia.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng nghị quyết nhằm thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để lĩnh vực này thực sự trở thành động lực nhằm hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở pháp lý để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Từ đó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan để đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; bổ sung quy định về miễn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ); quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí Nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ...

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho rằng, việc thực hiện nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với việc ban hành nghị quyết, đồng thời phải tránh lạm dụng khi áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Một số ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Có chính sách vượt trội khuyến khích doanh nghiệp, nhất là khi nhiều doanh nghiệp tư nhân có nguồn lực và nhân lực tốt nhưng chưa được quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi về pháp chế, chính sách để thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm cho chính sách để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, của các thành viên Ủy viên Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ, Tờ trình dự thảo Nghị quyết. Trong đó, lưu ý rà soát lại các cơ chế, chính sách thí điểm để đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, các cơ quan, Bộ ngành cần “đi tắt, đón đầu” để thực hiện các chính sách, đơn giản hóa các thủ tục trong thanh quyết toán cho các nhà khoa học thực hiện các đề tài khoa học; tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Trong thực hiện, cần có sự phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị triển khai.

Bài liên quan
Nối tiếp tinh thần cách mạng tiến công, Cà Mau tiến bước trong kỷ nguyên mới
Thời chiến, vùng đất “Địa đầu - Cực Nam tổ quốc” - Cà Mau, từng bị tàn phá nặng nề nhưng nay đã đổi thay nhiều, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Viết tiếp bài ca hòa bình trên mảnh đất Điện Biên lịch sử
VOVLIVE - Sau 71 năm chiến thắng, mảnh đất Điện Biên Phủ hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị trẻ hiện đại, phát triển không ngừng, hòa mình vào dòng chảy hội nhập của đất nước. Tiếp nối tinh thần, truyền thống yêu nước của thế hệ đi trước, mỗi người dân Điện Biên hôm nay cũng đang nỗ lực không ngừng xây dựng quê hương.
Mới nhất