Mưa to kèm dông lốc xảy ra tại một số địa phương ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trong đêm 6/9 và sáng 7/9 đã làm 83 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, hư hỏng; trong đó xã Phong Dụ Thượng có 60 nhà, xã Xuân Tầm 18 nhà, xã Đông Cuông 5 nhà.
Mưa lớn và gió lốc cũng làm thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, với gần 40 ha lúa mùa cuối vụ bị hư hỏng, nhiều nhất là xã Đông Cuông 37 ha. Ngoài ra còn có gần 5 ha ngô, trên 3 ha cây quế bị gẫy đổ...
Trước những thiệt hại ban đầu do dông lốc gây ra, các tổ công tác của huyện Văn Yên đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục bão số 3 tại các địa phương. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cũng tăng cường chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục tổ chức thường trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về biến động của thời tiết, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực và các điều kiện thiết yếu, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Trong điều kiện một số bản vẫn còn ngập trong nước do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đợt cuối tháng 7 vừa qua, chính quyền cùng người dân xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 3.
Bà Quàng Thị Kim, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La cho biết: đến nay, xã đã di chuyển gần 100 hộ dân nằm trong vùng bị ngập úng và có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất đá do thiên tai ở các bản Phiêng Nghè, Bôm Nam và bản Nam đến nơi an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Đảng ủy, chính quyền xã hiện đang tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, bão để kịp thời triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ.
"Đảng ủy, Ủy ban đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong ban chỉ đạo và các tổ chức chính trị, xã hội, các đồng chí trong ban chấp hành bám nắm địa bàn nơi mình được phân công phụ trách; nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng như tuyên truyền đến bà con về công tác ứng phó với cơn bão số 3; đặc biệt là đảm bảo tính mạng, tài sản cho bà con nhân dân khi cơn bão xảy ra", bà Quàng Thị Kim cho hay.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung đi kiểm tra tình hình phòng chống bão số 3 tại cơ sở.
Tại cuộc họp triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó khẩn cấp bão số 3, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - ông Trần Quốc Cường đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan trước nguy cơ của bão số 3.
Các địa phương cần khẩn trương rà soát các khu vực nguy hiểm, đưa toàn bộ người dân ở khu vực nguy hiểm đến các nơi an toàn. Đặc biệt trong những ngày bão đổ bộ, nếu địa phương có mưa lớn hoặc các địa phương lân cận, đầu nguồn có mưa lớn thì yêu cầu người dân không đi làm, cho học sinh nghỉ học.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện dừng các cuộc họp trong các ngày chủ nhật, thứ 2 (ngày 8 - 9/9) để tập trung đi kiểm tra tình hình phòng chống thiên tai tại cơ sở. Yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về diễn biến và công tác phòng chống bão số 3 nhưng phải tuyên truyền khoa học, sát với tình hình địa phương để người dân nắm rõ, nâng cao cảnh giác và chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu các thiệt hại.
Ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: "Cơn bão số 3 sức tàn phá theo dự báo rất lớn, vì vậy Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, các cơ quan đơn vị dừng các cuộc họp không cần thiết, chủ động ứng phó với bão để làm sao giảm thiệt hại nhỏ nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tham mưu cho tỉnh văn bản cảnh báo những điểm, khu dân cư có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để các huyện, địa phương chủ động tuyên truyền cho người dân chủ động sơ tán tài sản, nhất là về đêm".
Ngày 7/9, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã ghi nhận những thiệt hại ban đầu do mưa to, gió lốc. Hiện địa phương này đang tích cực triển khai các phương án ứng phó với hoàn lưu bão số 3 được dự báo sẽ gây mưa lớn từ đêm nay, nhất là đề phòng tình trạng ngập úng, sạt lở đất tại các khu vực xung yếu.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, tại hồ bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, Công ty TNHH Một thành viên quản lý, khai thác các công trình thủy lợi Sơn La đã mở cửa xả đáy từ ngày 6/9, hạ mực nước hồ, nhằm cắt lũ cho thành phố Sơn La khi lượng nước lớn đổ về. Đến 10h sáng nay (7/9), hồ chứa đang có 9 triệu m3 trong tổng dung tích 13 triệu m3.
Ông Bùi Nam Hưng, Phó Trưởng Chi nhánh Thành phố Sơn La, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi Sơn La - đơn vị quản lý Hồ bản Mòng cho biết: "Hiện, lưu lượng nước về đang là 9 m3/s, lưu lượng xả là 15 m3/s. Cố gắng trong ngày hôm nay cao trình sẽ giảm xuống từ 800- 1 triệu m3. Hiện phải phụ thuộc vào thời tiết, trong lúc giảm mà vẫn có mưa thì cao trình sẽ cố gắng giữ được ở mức này hoặc xuống thấp hơn, hoặc có thể tăng lên. Xả theo quy trình, theo nhiều nấc, để không gây ảnh hưởng đến vùng hạ lưu".
Trong sáng nay, tỉnh Sơn La đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo các địa phương rà soát các biện pháp xử lý ngập úng và phòng chống lũ bão tại các khu vực xung yếu trên địa bàn.
Trực tiếp chỉ đạo tại khu vực Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm - là vùng bị ngập sâu sau đợt mưa lớn cuối tháng 7 vừa qua, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương có phương án để nạo vét, khơi thông khu vực các cửa hang, bởi nước tại khu vực này đã rút, nhưng hiện bùn đất vẫn đang lấp đầy 3 cửa hang tiêu thoát nước chính. Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La cũng đề nghị Công ty Cổ phần thủy điện Nậm La phát tối đa công suất 3 tổ máy; chỉ đạo Tổ vận hành cống Bom Bay mở tối đa các cửa xả nước, đề phòng ngập úng cho khu vực xã Chiềng Xôm khi nước lũ tràn về.
Theo dự báo, từ chiều tối nay (7/9), ảnh hưởng của cơn bão số 3 có khả năng gây mưa lớn, ngập úng, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La. Địa phương đang chủ động nhiều phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Sơn La thông tin: "Toàn tỉnh đang có 34 điểm sạt lở thì khẩn trương có phương án di dời người ra khỏi khu vực, đảm bảo đề phòng mưa lớn từ cơn bão số 3. Đảm bảo an toàn hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi, yêu cầu chủ hồ túc trực 24/24 để quản lý, vận hành hồ theo đúng quy trình. Đồng thời yêu cầu với các địa phương trên loa phát thanh của xã, bản, hàng ngày hàng giờ phát các bản tin chúng tôi chuyển đến về cơn bão số 3 để có phương án ứng phó kịp thời".