Các địa phương ứng phó hoàn lưu bão số 1

18/07/2023, 20:48

Bão số 1 gây mưa rải rác trên diện rộng ở một số tỉnh phía Bắc từ trưa 18/7. Các địa phương cũng đặc biệt quan tâm tới các biện pháp ứng phó với hoàn lưu bão khi dự báo tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới.

Sáng 18/7, bão số 1 đổ bộ vào khu vực giáp ranh thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh gây mưa trên diện rộng. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh, từ nay đến ngày 20/8, toàn tỉnh có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200mm, có nơi lên tới 300, 400mm.

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tiếp tục theo dõi hoàn lưu bão, cảnh báo người dân không lơ là chủ quan, có biện pháp phòng tránh nhất là khu vực miền núi, các khu vực gần khai trường, bãi thải ngành than, những vị trí xung yếu trên các tuyến giao thông có nguy cơ sạt lở cao.

Đây cũng là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khi kiểm tra công tác phòng chống bão số 1 trong sáng nay (18/7). "Hoàn lưu bão có mưa khá lớn ở Quảng Ninh, dự kiến 300mm có nơi lên tới 400mm. Như vậy khả năng sạt lở, lũ ống, lũ quét đặc biệt là ngập lụt ở một số khu đô thị có thể diễn ra, nên đề nghị Quảng Ninh tập trung nhiều hơn cho phòng chống sạt lở và lũ lụt" - ông Hiệp nhấn mạnh

Trên địa bàn TP. Hải Phòng, diện tích lúa mùa khoảng 15.000 ha, trong đó diện tích có khả năng ngập úng sau bão là hơn 1.500 ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão; diện tích rau màu có nguy cơ ngập úng khi mưa lớn là trên 300ha, chiếm 5,5% diện tích rau màu vụ hè thu đã trồng.

Đề phòng mưa lớn do hoàn lưu bão, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

"Nếu mưa lớn, gây ngập úng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn cho bà con. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc với các địa phương tiếp tục rà soát các cống xung yếu, có các phương án, vật tư và trang thiết bị sẵn sàng ứng phó. Sở Giao thông cũng phối hợp với các địa phương đề phòng sạt lở, nếu có vấn đề gì xảy ra thì phải thông tuyến ngay".

Tại tỉnh Lạng Sơn, đến trưa nay đã có mưa rải rác trên diện rộng và dự báo sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN địa phương đã đi kiểm tra công tác vận hành hồ Bản Lải, hồ chứa nước có dung tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và một số xã có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở chia cắt như Đông Quan, Na Dương, Tú Đoạn… sẵn sàng các phương án ứng phó với hoàn lưu của bão.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo chính quyền các cấp theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để kịp thời cảnh báo đến mọi tầng lớp nhân dân để chủ động phòng tránh. Đồng thời chủ động, kiên quyết di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn".

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu của Yên Bái, với đặc thù núi cao, độ dốc lớn, dân cư sống phân tán, huyện đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động phòng tránh mưa lũ qua hệ thống loa truyền thanh, các nhóm zalo cộng đồng.

Đối với những nơi không có sóng điện thoại và loa truyền thanh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các xã kết hợp với thôn, bản dùng loa cầm tay đến các khu, chòm dân cư để tuyên truyền cho người dân biết sắp có mưa lớn và các biện pháp đề phòng.

Ông Giàng A Gư, Trưởng thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu nói: "Đội phòng chống thiên tai của thôn bản đi báo hoặc tuyên truyền trên loa phóng, loa cầm tay để bà con nhận biết sắp có mưa lũ, không đi nương rẫy, không ngủ lại ở đó mà phải về nhà ngủ, hoặc sắp có mưa lớn thì không được đi xa nhà".

Tại huyện Lục Yên, qua thống kê có gần 900 hộ dân có thể bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó 250 hộ có thể bị ngập úng, lũ quét; hơn 600 hộ có nguy cơ bị sạt lở đất đá. Theo đó huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp ứng phó, nhất tại những thôn, bản có nhiều hộ diện nguy cơ bị thiệt hại do mưa bão.

Bà Nông Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn từ cấp huyện đến xã tổ chức trực ban 24/24. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết, sẵn sàng nhân lực, phương tiện để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông thông suốt, thông tin liên lạc trong mọi tình huống".

Để ứng phó với cơn bão số 1, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, đặc biệt là hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men, theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Điện Biên Phủ, ký ức năm xưa vẫn còn nguyên vẹn
Sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay tuổi đều đã trên dưới 90. 70 năm qua đi nhưng những ký ức về trận chiến năm nào để làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
Mới nhất