Ca khúc "Chiến sĩ Việt Nam" hùng tráng, bất hủ tiếp sức cho người lính quyết tử

Trung Hiếu/VOV.VN | 04/09/2023, 08:20

Bài hát "Chiến sĩ Việt Nam" là một ca khúc hùng tráng, bất hủ của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Nhạc phẩm giàu tính nghệ thuật này mang tầm vóc một bản quốc ca, với sức mạnh hiệu triệu lớn lao, thúc giục người lính xông pha nơi sa trường.

Sức mạnh tinh thần to lớn hun đúc từ lịch sử dân tộc

Mỗi dịp Quốc khánh 2/9, được nghe bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, mỗi người dân Việt Nam đều thấy dâng trào trong lòng niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ. Nhưng có một ca khúc nữa, hào hùng không kém và cũng gắn với giai đoạn 1945 lịch sử, đó là "Chiến sĩ Việt Nam" do chính Văn Cao sáng tác cùng thời điểm vào năm 1944.

Bài hát sử dụng thể hành khúc, với giai điệu vừa mạnh mẽ vừa mượt mà, thúc giục người chiến sĩ lên đường chiến đấu vì tổ quốc, non sông:

"Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường
Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay người
Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời.

Ngựa phi nơi xa kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng
Là trang nam nhi, quyết chiến sa trường, sống thác coi thường
Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai.

Bừng nghe dư âm mênh mông khúc anh hùng ca reo nơi biên cương,
Bao chiến mã lên đường, giục lòng dân quân thi can trường,
..."

Lời bài hát đẹp tựa bài thơ, vẽ lên hình ảnh tráng sĩ xưa (cưỡi chiến mã, vung gươm...) kết nối với người chiến sĩ thời hiện đại, đậm chất anh hùng và lãng mạn, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, vì giang sơn, vì quần chúng nhân dân.

Phần đầu bát hát gợi nhớ cho chúng ta về bài Hịch tướng sĩ được danh tướng Trần Hưng Đạo viết để kêu gọi các binh sĩ Đại Việt rèn luyện và sẵn sàng xả thân trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2. Trong bài Hịch thuở đó, Trần Hưng Đạo có sử dụng hình ảnh thể hiện quyết tâm người lính, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng: "dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm".

Trich đoạn phim "Hà Nội mùa đông năm 46" của đạo diễn Đặng Nhật Minh với phân cảnh chiến sĩ Vệ quốc đoàn (đội mũ calô) hát bài "Chiến sĩ Việt Nam" khi chống trả kẻ thù tiến đánh Bắc Bộ phủ:

Trong bộ phim "Hà Nội mùa đông năm 46" (đạo diễn: Đặng Nhật Minh), có một phân cảnh rất xúc động khi các chiến sĩ cảm tử Vệ quốc đoàn chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Bắc Bộ phủ vào đêm 19/12/1946 - đêm mở màn cuộc kháng chiến chống Pháp. Bắc Bộ phủ là nơi đặt trụ sở chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau Cách mạng tháng Tám.

Trong trận đánh ác liệt đó, giặc Pháp chiếm ưu thế về quân số và vũ khí, có cả xe tăng yểm trợ. Các chiến sĩ Vệ quốc đoàn chiến đấu quả cảm với hiệu suất cao nhưng lại thiếu thốn vũ khí đạn dược và hao hụt quân số dần trước hỏa lực mạnh của kẻ địch. Trước hoàn cảnh cam go không cân sức khi địch đã tràn được vào bên trong và lên tầng trên, các chiến sĩ của ta vừa hát vang bài "Chiến sĩ Việt Nam" hùng tráng, vừa kiên quyết đánh trả quân thù đến hơi thở cuối cùng, bằng mọi phương tiện có trong tay.

Theo tài liệu mới được công bố vào năm 2017, nữ anh hùng Võ Thị Sáu ngay trước lúc bị thực dân Pháp xử bắn ở Côn Đảo vào sáng 23/1/1952 cũng đã hiên ngang hát bài "Chiến sĩ Việt Nam" trước họng súng của kẻ thù trên pháp trường.

Nói như vậy để thấy được phần nào sức mạnh to lớn từ ca khúc của Văn Cao.

Ca khúc "Chiến sĩ Việt Nam" qua phần thể hiện của ca sĩ Việt Hoàn (nguồn audio: Đài PTTH Thanh Hóa):

Sau này, trong giai đoạn chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng ta lại được chứng kiến một nhạc phẩm xuất sắc nữa trong dòng nhạc hiệu triệu này, đó là ca khúc "Hãy cho tôi lên đường" của nhạc sĩ tài năng Hoàng Hiệp. Ca từ và giai điệu réo rắt vừa da diết vừa đầy chất thép của bài hát ấy đã thôi thúc bao lứa thanh niên lên đường cầm súng bảo vệ biên cương tổ quốc:

"Hãy cho tôi lên đường,
Cho tôi lên đường về miền biên cương mịt mù khói súng.
Hãy cho tôi lên đường,
Tôi đi tiêu diệt giặc thù xâm lăng bảo vệ đất nước.
...

Làm sao có thể ngồi yên khi người bạn tôi đã chết,
Đạn thù xuyên qua tim, trái tim nồng nàn tình yêu mới lớn.
Làm sao có thể bình yên đi bên người yêu đêm đêm,
Khi bao nhà tan cửa nát, tội ác không đếm được.
..."

Tầm vóc của một bài quốc ca

Có lẽ không phải ai cũng biết, bài "Chiến sĩ Việt Nam" từng được đề cử làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Năm 1945, có 3 bài hát gồm "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi, "Tiến quân ca" và "Chiến sĩ Việt Nam" của Văn Cao được trình lên Hồ Chủ tịch.

Theo lời kể của nhạc sĩ Văn Thao (con trai của cố nhạc sĩ Văn Cao), Bác Hồ khi ấy rất thích bài "Chiến sĩ Việt Nam" do có giai điệu hay. Bác rất ưng phần lời của đoạn kết bài hát:

"Nguyện tranh đấu cho giống nòi,
Hận thù bao năm căm lòng đất nước tan tác.

Xương máu đang khơi ngòi,
Tiếng than nơi nơi, tháng năm dần trôi.
Thề phục quốc, tiến lên Việt Nam,
Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam,
Ðài hạnh phúc, đắp xây tự do,
Việt Nam tranh đấu, chống quân ngoại xâm".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tâm đắc với 4 câu cuối vì chúng phản ánh đúng tư tưởng và lý tưởng chính trị của Người, nhất là các câu "Thề phục quốc, tiến lên Việt Nam/Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam".

Tuy nhiên, cuối cùng Bác vẫn nghiêng về phương án lấy "Tiến quân ca" làm Quốc ca, vì bài đó ngắn gọn hơn và dễ hát hơn cho đông đảo quần chúng nhân dân. Ngoài ra, có thể còn có lý do nội dung bài Tiến quân ca mang tính bao trùm khái quát hơn, trong khi bài "Chiến sĩ Việt Nam" thiên về người chiến sĩ quyết tử. Tất nhiên sự khác biệt đó là không quá lớn, và "Chiến sĩ Việt Nam" vẫn là một ứng viên sáng giá cho vị trí quốc ca.

Sau này, tuy không trở thành quốc ca, nhạc phẩm "Chiến sĩ Việt Nam" vẫn là một ca khúc nổi bật xuất sắc không chỉ của Văn Cao mà còn cả kho tàng nhạc cách mạng Việt Nam, được nhiều người yêu thích và là một nguồn cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Xem thêm:

>>Tạm ước Việt-Pháp 14/9/1946: Hồ Chí Minh chân thành muốn hòa bình
>>Hiệp định sơ bộ 6/3/1946: Nước cờ sắc sảo của Hồ Chủ tịch và Đảng ta
>>Bảo kiếm Marx-Lenin giúp Đảng giành thắng lợi huy hoàng
>>Độc lập dân tộc của Việt Nam trước các nước lớn

Bài liên quan
Công Phượng tha thiết xin vào tập, HLV Troussier kiên quyết từ chối
Nguyễn Công Phượng tha thiết xin HLV Troussier vào tập chiều 18/3 nhưng nhà cầm quân không muốn mạo hiểm với chấn thương của học trò.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất