Huy Thục – Nhạc sĩ của nhân dân, người lính và khát vọng hòa bình

19/05/2025, 12:49

VOVLIVE - Cùng thời với nhiều nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, sáng tác của Huy Thục có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của quân và dân.

Nhạc sĩ Huy Thục, bút danh Lê Anh Chiến, quê ở làng Mạc Thượng – xã Chính Lý – huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), sinh ngày 22/12/1935. Ông là đại tá, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Quân đội), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3 và khóa 4. Nhạc sĩ Huy Thục tham gia cách mạng từ tháng 8/1945. Say mê âm nhạc, ông tập chơi violon và trở thành diễn viên trong dàn nhạc Đoàn Văn công TCCT.

Sau hòa bình, Huy Thục theo học lớp sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (1956–1959), nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tác phẩm tốt nghiệp viết cho violon và piano mang tên “Quê ta” (1959) đã trở thành một trong những tác phẩm trong giáo trình của Học viện Âm nhạc. Về khí nhạc, ông còn viết nhạc múa “Pa Kô”; nhạc cho vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” (viết cùng Nguyễn Thành và Lương Ngọc Trác) – tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tác phẩm cho đàn bầu “Vì miền Nam” (1968) là một dấu ấn đậm nét trong sáng tác của nhạc sĩ Huy Thục, trở thành tiết mục không thể thiếu trong hành trang biểu diễn của nhiều nghệ sĩ đàn bầu trong và ngoài nước. Tác phẩm được trao Huy chương Vàng tại Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ 10 ở Berlin cùng nhiều giải thưởng quốc tế khác.

Trong thời gian học tập tại Nhạc viện Liszt (Budapest – Hungary), Huy Thục hoàn thành hai sonata cho piano và một số tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc. Sau đó là các tác phẩm: “Nhịp điệu nước non” (1980) viết cho bộ gõ dân tộc, “Biến tấu Khúc nhạc rừng” (1984) viết cho đàn T’rưng và dàn nhạc dân tộc.

Về nước, Huy Thục giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Ông từng đi thực tế sáng tác tại mặt trận Đường 9 – Nam Lào. Sáng tác ca khúc là sở trường của ông. Nhiều bài hát được tập hợp trong tuyển tập “Tiếng đàn Ta lư” (NXB Văn hóa, 1974).

Từ thập niên 1960, nhiều bài hát của Huy Thục vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và trong các chương trình văn công như: “Kèn xuất trận” (phổ thơ Tô Đức Chiêu), “Dòng suối La La”, “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Tiếng đàn Ta lư”, “Cô gái Pa Kô”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” (phổ thơ chúc Tết của Bác Hồ)...

Các tác phẩm của ông ca ngợi vẻ đẹp người lính cụ Hồ, hòa quyện với tình cảm nhân dân bằng giai điệu trong sáng, lạc quan. Trong thập niên 1980, Huy Thục viết nhiều tác phẩm đáng chú ý: hợp xướng “Điện Biên” (phổ thơ Tố Hữu), ca khúc “Tấm huy hiệu Điện Biên” (1984); và một số ca khúc nhạc nhẹ như “Hoa sữa” (1985), “Kỷ niệm về hoa” (1985), “Nhớ chiều xuân biên cương” (1985)...

Ông cũng sáng tác “Phải chăng là duyên nợ” (1985) mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh; “Đợi” (1986) phổ thơ Vũ Quần Phương – sử dụng chất liệu ca trù; “Anh về cửa ngõ” (phổ thơ Trần Ninh Hồ); “Hành khúc pháo binh” (1986)...

Năm 1999, ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” được chọn để thính giả viết lời bình trong chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả” – Đài Tiếng nói Việt Nam. Thính giả Hoàng Phú Nghĩa (xóm 7, Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã bày tỏ xúc động và đánh giá cao ca khúc với lời bình sâu sắc, cho rằng “bản hùng ca lịch sử dưới bàn tay chỉ huy của Bác kính yêu” đã vang vọng trong lòng bao thế hệ.

Cùng thời với nhiều nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, sáng tác của Huy Thục có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của quân và dân. Ông được trao Huân chương Chiến công hạng Nhì cho bài “Tiếng đàn Ta lư” (6/1969), Huy chương Vì thế hệ trẻ (1983), Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài liên quan
Bắc Kạn: Đa dạng hình thức góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013, nhiều ý kiến tâm huyết
VOVLIVE - Không chỉ tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, Bắc Kạn còn triển khai sâu rộng việc thu thập ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp 2013 từ mọi tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức đa dạng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Quán triệt nghị quyết của Đảng theo tinh thần "toàn dân tham gia việc nước"
VOVLIVE - Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị diễn ra ngày 18/5 thu hút sự quan tâm, theo dõi của các cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Mới nhất