
“Chúng tôi đã học được rất nhiều từ những phẩm chất cao đẹp của các thương bệnh binh Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã không quên công lao điều trị, chăm sóc họ của các y bác sĩ Trung Quốc”. Đây là những chia sẻ đầy xúc động và tự hào của bà Vu Thục Huệ, người từng gắn bó với Bệnh viên Nam Khê Sơn ở Quế Lâm, Quảng Tây - nơi điều trị các thương bệnh binh Việt Nam từ năm 1968 đến đầu năm 1976.

57 năm trước, vào đúng dịp Quốc khánh Việt Nam ngày 2/9/1968, 41 cô gái Bắc Kinh tuổi vừa đôi mươi, người trẻ nhất 19 tuổi, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ 21, đã lên đường nhận nhiệm vụ ở Quế Lâm, Quảng Tây cách đó gần 2.000km.
Các cô là một nhóm trong tổng số 278 nhân viên y tế được lựa chọn từ các bệnh viện lớn của Bắc Kinh để thực hiện nhiệm vụ chữa trị cho thương bệnh binh Việt Nam tại Bệnh viện Nam Khê Sơn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chu Ân Lai.
Bà Vu Thục Huệ, khi ấy mới 21 tuổi, y tá trưởng của bệnh viện, là một trong số đó. Bà kể lại, mặc dù chưa từng sống xa gia đình, khá lo lắng, song khi biết đây là nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ Trung Quốc giao phó, tất cả các cô gái đều vui vẻ nhận nhiệm vụ tại một trong những vùng đất gần Việt Nam nhất.
Những ngày đầu khi chưa có bệnh nhân, các nhân viên y tế phải học tiếng Việt trong vòng 1 tháng. Ngoài việc học, buổi chiều, các cô còn tham gia khênh giường, bàn, ghế lên các phòng bệnh.

“Chúng tôi là những cô gái đến từ Bắc Kinh, trước đây chưa từng làm các công việc nặng nhọc như vậy, nhưng chúng tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là phục vụ thương bệnh binh Việt Nam và đóng góp vào tình hữu nghị Trung - Việt, vì vậy chúng tôi không thấy có gì phải phàn nàn”, bà Vu Thục Huệ nhớ lại.
Tháng 3 năm sau, bệnh viện chính thức đi vào hoạt động và đón những bệnh nhân đầu tiên. Tàu chở thương bệnh binh sang đến Quế Lâm vào khoảng 2h đêm, một số y bác sĩ được cử ra ga đón, trong khi những người khác đợi ở viện để kịp thời sắp xếp bệnh nhân vào các khoa. Hiện thực chiến tranh vô cùng tàn khốc, nhưng trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện, điều mà bà cảm nhận rõ nét nhất, đó chính là tinh thần lạc quan, vượt khó của các chiến sĩ Việt Nam.
“Là thế hệ trẻ, bên cạnh việc phục vụ họ, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ họ cho thế giới quan và tương lai của mình. Những điều đó đã mang lại những lợi ích to lớn cho suốt quãng đời còn lại của chúng tôi. Xét về công việc, mặc dù chúng tôi đang giúp đỡ Việt Nam và phục vụ các thương bệnh binh Việt Nam, nhưng cùng lúc chúng tôi cũng học được rất nhiều phẩm chất tốt đẹp từ những người lính ấy. Họ chịu đựng gian khó rất giỏi. Chỉ cần có thể đứng dậy là họ sẽ làm việc, chẳng hạn như dọn dẹp. Khi chúng tôi chăm sóc, họ rất lịch sự. Nhìn thấy chúng tôi là họ ‘Chào đồng chí?’. Chúng tôi chỉ cần làm một việc gì rất nhỏ thôi, chẳng hạn như mang nước và cho họ uống thuốc, là họ lại ‘Cảm ơn đồng chí’. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng gần gũi, không hề có khoảng cách. Mặc dù chúng tôi đến từ những quốc gia khác nhau, nhưng khi ở bên nhau, chúng tôi giống như anh chị em thực thụ. Với tôi, họ là những người rất lịch sự, rất giỏi chịu khổ và rất ham học”, bà Vu Thục Huệ chia sẻ.
Ngoài thời gian điều trị và chăm sóc bệnh nhân, các y bác sĩ của Bệnh viện Nam Khê Sơn và các thương bệnh binh đến từ Việt Nam còn cũng nhau đọc báo, nghe đài, tập dượt các tiết mục văn nghệ để tổ chức các buổi biểu diễn nhân dịp Quốc khánh hai nước và mỗi khi Tết đến. Thời gian nằm viện của mỗi thương bệnh binh là khoảng 3 tháng và mỗi khi có người ra viện là một lần bịn rịn.

Bà bồi hồi kể lại: “Chúng tôi không phải người một nhà, nhưng còn hơn cả người một nhà, bởi chúng tôi và các thương bệnh binh Việt Nam ngày đêm ở bên nhau. Ngoài việc là những tấm gương về đức tính chịu khó, cần cù, tiết kiệm, họ còn thường xuyên kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện chiến đấu, giúp chúng tôi hiểu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và lòng dũng cảm, kiên cường của người dân Việt Nam, do vậy đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc”.
Theo bà Vu Thục Huệ, trong suốt thời gian 8 năm, hơn 600 y bác sĩ của Bệnh viên Nam Khê Sơn đã chữa trị cho hơn 5400 thương bệnh binh Việt Nam, trong đó thực hiện 2.576 ca phẫu thuật và hiến tặng 779.220 ml máu cho thương bệnh binh Việt Nam. Riêng bà đã tự nguyện hiến 1.600 ml.
“Tôi nghĩ có thể trên thế giới không có bệnh viện nào như vậy. Đây là bệnh viện duy nhất. Tại sao các vị tiền bối và lãnh đạo hai nước lại nói tình hữu nghị ‘vừa là đồng chí, vừa anh em’ giữa Trung Quốc và Việt Nam được xây đắp bằng máu? Khi đó tôi không hiểu lắm, nhưng khi chúng tôi hiến tặng gần 78.000 ml máu cho các thương bệnh binh Việt Nam, tôi thực sự cho rằng tình cảm giữa người dân Trung Quốc và Việt Nam được gắn kết với nhau bằng máu, bởi dòng máu của hai bên đã hòa quện vào nhau”, bà cho biết.
Với những đóng góp to lớn của mình, bà Vu Thục Huệ từng nhiều lần vinh dự được mời tham gia các sự kiện quan trọng tại Việt Nam như Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; cũng như các hoạt động gặp mặt nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi sang thăm nước này.

Bà xúc động chia sẻ: “Khi tôi dự lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, các lãnh đạo quân khu đã mời chúng tôi cơm tối. Khi tôi bước vào hội trường, một người mà tôi không biết cấp bậc bèn nói, muốn tìm người cô đã từng hiến máu cho chúng tôi. Lúc đó, nước mắt tôi trào ra. Tôi cảm thấy, ngay cả sau 57 năm, những nhà lãnh đạo quân đội sau này của Việt Nam vẫn nhớ đến việc tôi từng hiến máu. Thứ tình cảm này, chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Điều này cho thấy nhân dân Việt Nam, từ lãnh đạo đến những người dân, đều ghi nhớ sự ủng hộ mà nhân dân Trung Quốc đã từng dành cho nhân dân Việt Nam. Lịch sử hữu nghị Trung-Việt của chúng ta phải được trao truyền lại”.
Còn rất nhiều những kỷ niệm sâu sắc và ký ức khó phai về các thương bệnh binh Việt Nam khắc sâu trong tâm trí của nữ y tá trưởng ngày nào. Giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn lưu giữ những bức ảnh và danh sách các thương bệnh binh Việt Nam từng điều trị tại Bệnh viên Nam Khê Sơn. Bà bảo, mặc dù đã hai lần đến Việt Nam, nhưng bà sẽ còn đến lần thứ ba, thứ tư..., bởi mong ước lớn nhất của bà là được gặp lại những chiến sĩ Việt Nam thuở ấy.