ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận tồn tại tình trạng nhiều hội nhóm, cá nhân tự xưng bác sĩ, chuyên gia y tế, dựng lên các video để tư vấn sức khoẻ, dinh dưỡng. Nhiều bác sĩ và bệnh viện uy tín cũng bị kẻ xấu giả mạo tên tuổi và hình ảnh trên các trang mạng để lừa đảo bán thực phẩm chức năng.
“Thời gian tới đơn vị sẽ triển khai rà soát các thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh không đúng quy định pháp luật. Từ đó, giúp người dân tìm được nguồn tin chính thống từ bác sĩ có chuyên môn, chứng chỉ hành nghề”, ThS Nguyễn Trọng Khoa nói.
Đại diện lãnh đạo Cục quản lý khám chữa bệnh cũng lưu ý, mỗi người dân cần tự nhận thức rõ sức khỏe là vốn quý, không tuỳ tiện nghe, làm theo những nguồn tư vấn không kiểm chứng trên mạng.
“Hiện trên cổng thông tin của Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh công khai thông tin người hành nghề. Trước khi theo dõi tư vấn sức khoẻ trực tuyến, người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm chứng thông tin bằng việc tra tên tuổi của người tư vấn thông qua cổng thông tin chính thống”, ThS Khoa khuyến cáo.
Trước tình trạng nở rộ dịch vụ tư vấn, khám bệnh online, tháng 12/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 30 quy định về 50 bệnh thuộc gần 20 chuyên khoa được khám, chữa bệnh từ xa.
Thông tư cũng quy định, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế, chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc. Các chỉ định và kê đơn thuốc khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Ngoài ra, thông tin khám, chữa bệnh từ xa của người bệnh phải được tuân thủ theo các nguyên tắc bảo mật.
Xử lý nghiêm nếu vi phạm pháp luật
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, khám chữa bệnh là nghề kinh doanh có điều kiện, người kinh doanh lĩnh vực này phải có chứng chỉ hành nghề chuyên môn phù hợp và phải đăng ký hoạt động khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.
Pháp luật nghiêm cấm sử dụng hình ảnh, thông tin, trang phục của bác sĩ, của các cơ sở y tế để thực hiện các hành vi quảng cáo, bán hàng, thực phẩm chức năng. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Những người tự xưng là bác sĩ, mặc trang phục bác sĩ lên mạng xã hội để thực hiện hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh, không được phép của cơ quan chức năng hoặc thực hiện các hoạt động quảng cáo với danh nghĩa là bác sĩ, nhân viên y tế là vi phạm pháp luật về quảng cáo và về luật khám chữa bệnh.
Khám chữa bệnh online hay còn gọi là khám chữa bệnh từ xa là xu hướng tất yếu trong thời buổi phát triển công nghệ. Tuy nhiên những hiện tượng mạo danh, giả danh trong khám chữa bệnh online rất dễ dàng xảy ra và có thể ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của người bệnh.
Vì vậy nếu có các bác sĩ, cơ sở y tế nào quảng cáo về khám chữa bệnh online thì người dùng mạng xã hội cần thận trọng đánh giá cơ sở y tế đó có được phép hoạt động khám chữa bệnh từ xa theo quy định của luật khám chữa bệnh hay không, tránh bị lừa đảo tiền mất tật mang.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát, nếu có vi phạm về khám chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể xử lý hình sự. “Người dân cần thận trọng với các thông tin tư vấn, hoạt động khám chữa bệnh từ xa, các bác sĩ online để tránh việc tham gia, thanh toán tiền cho bác sĩ giả mạo khiến tiền mất tật mang, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe”, luật sư Đặng Văn Cường nói.