Từ bao đời nay, người Mông sinh sống bên sườn dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã biết dùng sáp ong để tạo hoa văn trên vải. Để có một tấm vải đường nét hoa văn hoàn chỉnh, đòi hỏi người vẽ phải có kỹ thuật giỏi, tỉ mẩn, tinh tế trong tâm hồn và sự khéo léo của đôi bàn tay.

Chị Hảng Thị Giàng, ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường chia sẻ, khi đun nóng sáp ong, dùng bút để vẽ từng nét thủ công trên vải, đòi hỏi người vẽ phải nắm vững kỹ thuật từng công đoạn. Chỉ khi làm được như vậy, đến công đoạn nhuộm chàm, phần vải phủ sáp mới giữ màu nguyên thủy, tạo thành những họa tiết ẩn hiện độc đáo.
"Muốn vẽ sáp ong đẹp, thành một cái váy hoàn chỉnh phải có 4 bước. Thứ nhất là chúng ta phải chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm củi, vải lanh, sáp ong và cán vẽ. Quan trọng hơn là người phụ nữ khi vẽ phải có bàn tay khéo léo thì mới vẽ được hoa văn đẹp. Người Mông chúng tôi mong muốn làm nên các bộ váy áo không chỉ dùng để mặc, mà còn mong muốn du khách ở khắp nơi đều biết về sản phẩm của chúng tôi, để bà con lưu giữ được nghề từ đời này sang đời khác", chị Hảng Thị Giàng cho biết.

Theo các nghệ nhân ở bản Nậm Dê, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, vẽ sáp ong trên vải không khó, nhưng đòi hỏi người vẽ phải có tình yêu với nghề, am hiểu văn hóa dân tộc mình. Khi vẽ, người phụ nữ dùng bút, chấm vào sáp ong nóng hổi để lấy sáp, làm sao cho sáp không nóng quá, thì mới tạo nên những đường hoa văn sắc nét và đẹp.
Là người có thâm niên hàng chục năm gắn bó với nghề vẽ sáp ong trên vải, chị Hảng Thị Dua, ở bản Nậm Dê cho biết các họa tiết của hoa văn trên vải thường gần gũi, gắn với đời sống sản xuất, phong cảnh thiên thiên và sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Mông. Tổng thể họa tiết của một bộ váy áo sẽ được thể hiện đầy đủ thế giới quan và khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nên được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
"Từ khi sinh ra mình đã thấy các chị, các mẹ vẽ như thế này rồi, nên là khi lớn lên mình cũng được bà, mẹ và chị gái truyền dạy cho rồi mới biết làm. Mình tự tay làm ra trang phục của mình thì mới giữ được bản sắc dân tộc của mình được. Vẽ hoa văn bằng sáp ong thì sau này mình sẽ truyền dạy cho con cháu để ai cũng biết làm, để giữ bản sắc dân tộc của mình", chị Hảng Thị Dua cho biết.

Không chỉ là một phương thức bảo tồn văn hóa truyền thống, vẽ sáp ong còn đang trở thành một trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Nhiều bản làng ở Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường... nay đã tổ chức lớp học vẽ sáp ong cho du khách, kết hợp với tham quan, lưu trú và thưởng thức ẩm thực địa phương. Để nghề vẽ sáp ong trên vải trở thành sản phẩm du lịch chính thức, được nhiều người biết đến, nhiều địa phương cũng đưa vẽ sáp ong vào trở thành nội dung thi trong các lễ hội truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Bàng, du khách đến từ TP.HCM có mặt tại lễ hội Pu Ta Leng, huyện Tam Đường (Lai Châu) chia sẻ: "Hôm nay tôi tình cờ tham gia lễ hội, cũng muốn tìm hiểu về văn hoá thông qua các hoạt động của đồng bào. Trước đây tôi đã thấy có dệt thổ cẩm, nhưng hôm nay được chứng kiến bà con làm hoa văn thủ công bằng tay, thể hiện nét vẽ như vậy thì là lần đầu tiên tôi được thấy".

Sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật dân gian và du lịch cộng đồng đang mở ra hướng đi mới cho người dân ở các bản làng ở Lai Châu; từ đó bà con vừa giữ gìn được hồn cốt văn hóa, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tại nhiều bản làng, bà con đã sáng tạo khi làm ra những bộ khuôn vẽ sáp ong trên vải, nhằm nâng cao năng suất vẽ và tạo ra các sản phẩm thổ cẩm độc đáo phục vụ du khách.
Ông Hảng A Sính, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: "Từ nghề vẽ sáp ong như vậy, nếu dùng bút vẽ tay thì một ngày bà con chỉ có thể vẽ được một tấm váy. Hiện nay bà con cũng đã sáng tạo ra cách làm khoa học hơn, để một ngày có thể làm ra được 5 sản phẩm. Hiện nay trên địa bàn xã Sơn Bình, bà con đã thành lập ra các tổ để chuyên sản xuất các bộ váy, áo để mang ra thị trường bán. Cái chính là hộ nào cũng biết làm và tự làm được, để phục vụ chính cho nhu cầu mặc của mình hàng năm".
Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào Mông ở Lai Châu rõ ràng không chỉ là một nghề, mà còn là một câu chuyện, một di sản đang được gìn giữ và lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.