Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL: Dự kiến có hơn 1.400 tỷ đồng để trùng tu các di tích

Kim Anh/VOV.VN | 10/08/2022, 20:08

Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích.

Chiều 10/8, chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, di sản văn hóa Việt Nam, các di tích lịch sử là tài sản quý giá. Bảo vệ và phát huy các giá trị di tích này nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Dương Khắc Mai , trong thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 40.000 di tích, hiện đang lập hồ sơ kiểm đếm, xem xét xếp hạng. Đã xếp hạng gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 123 quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh quản lý, xếp loại. Căn cứ luật di sản, trách nhiệm về quản lý, phân tích, xếp hạng là do địa phương sở tại quản lý.

Thừa nhận tình trạng xuống cấp của các di tích là thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng do nguồn lực của các địa phương không nhiều, việc đầu tư cho di tích còn khó khăn. Ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ Văn hóa đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích để góp phần chống xuống cấp, trong đó có di tích được cấp 600 triệu - 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước.

Bộ đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương với "tư cách địa phương là chủ đầu tư của các dự án chống xuống cấp", đồng thời lưu ý không được làm biến dạng di tích như trước đây đã làm. 

Địa phương nào trùng tu di tích sai quy định sẽ bị xử lý theo quy định

Tranh luận lại, đại biểu Dương Khắc Mai đặt câu hỏi, với tư cách là cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát, Bộ sẽ xử lý các di tích bị biến dạng sau trùng tu như thế nào? Bộ trưởng có cam kết gì với Quốc hội để tình trạng này không tái diễn?

Trả lời phần tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã được phân cấp, nguyên tắc đầu tư, nguyên tắc tôn tạo do chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương và địa phương lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định, xác định việc di tích có xâm hại hay không.

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo, cấp quyết định đầu tư, vì vậy phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chấn chỉnh, cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư, phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ. Nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng.

"Trách nhiệm chính ở đây thuộc về cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Bộ sẽ tăng cường trách nhiệm giám sát. Nếu địa phương nào làm sai thì chúng tôi sẽ xử lý theo luật hiện hành, theo luật Di sản"- Bộ trưởng cho biết./.

Bài liên quan
“Có hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi lại thu hút người xem”
Thực tế thời gian qua đã có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, thị trường lại thu hút được một bộ phận người xem quan tâm, sự nhiễu loạn “vàng thau” lẫn lộn trong hưởng thụ văn hóa rất đáng được quan tâm”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Vẹn nguyên khoảnh khắc ngày giải phóng Điện Biên
70 năm trôi qua, khoảnh khắc lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Những ký ức thiêng liêng ấy sẽ luôn là tài sản vô giá với đồng bào các dân tộc, với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Mới nhất