Bệnh viện không in phim- Lợi ích rõ ràng nhưng chưa đồng bộ

Nhóm PV/VOV | 15/10/2022, 07:59

Việc ứng dụng công nghệ “không in phim” trong bệnh viện rất thuận tiện, giúp cơ sở y tế tiết kiệm hàng tỷ đồng nhưng hiện ứng dụng này vẫn chưa được đồng bộ trong hệ thống các bệnh viện của cả nước.

Bệnh nhân 65 tuổi (ở Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị cấp cứu trong tình trạng tê mỏi chân tay, khó cử động, đi lại khó khăn, giảm thị lực, nói khó khăn, miệng tê cứng, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ. Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI) và cắt lớp vi tính (CT). Sau khi chụp khoảng 5 giây, toàn bộ tổn thương hiện lên bằng hình ảnh trên hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, không cần in phim nhựa. Hình ảnh chiếu chụp của bệnh nhân được chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống trực tuyến một cách nhanh chóng để các bác sĩ hội chẩn. Bác sĩ nhìn vào hình ảnh, nhanh chóng nắm được tình trạng bệnh nhân, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến khu điều trị để cấp cứu kịp thời.

Các bác sĩ của bệnh viện cho biết, hình ảnh chẩn đoán rất quan trọng với người bị đột quỵ ở "thời gian vàng" (trong 6 giờ đầu), khả năng cứu sống người bệnh sẽ cao hơn.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh dù ở bất cứ đâu

Chiều 29/9 vừa qua, trong ca trực tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), qua màn hình được đặt tại khoa, BS. Lê Quang Phương, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, mở hình ảnh phim chụp của bệnh nhân chuyển từ khoa khác lên xem. Chỉ với các thao tác trên máy tính, hình ảnh chụp não của bệnh nhân hiện lên một cách rõ nét.

BS Phương chia sẻ, với ca bệnh tổn thương não cấp, khi bệnh nhân được đưa vào phòng chụp, ngay lập tức tại khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ có thể xem hình ảnh song song cùng với các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh và trao đổi trực tiếp về ca bệnh ngay trên hệ thống.

Bệnh viện Hữu nghị là một trong số ít bệnh viện của Bộ Y tế thực hiện Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS). Ứng dụng này dựa trên phần mềm hệ thống PACS, với hệ thống này, toàn bộ dữ liệu từ các hệ thống cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, máy siêu âm, máy X-quang, kỹ thuật số tại Bệnh viện sẽ được truyền tải vào hệ thống máy chủ, từ đây kết nối đến toàn bộ hệ thống các máy.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong triển khai “bệnh viện không in phim”, BS. Lê Quang Phương cho biết, việc ứng dụng công nghệ không in phim trong bệnh viện rất thuận tiện và gần như không có nhược điểm gì so với in phim cổ điển.

 “Thuận tiện lớn nhất là các bác sĩ lâm sàng không phải chờ đợi quá trình rửa phim, họ có thể xem trực tiếp từ máy chụp phim, đọc được kết quả ngay sau khi chụp dù ở bất cứ đâu”- BS Lê Quang Phương cho biết.

Theo BS. Lê Quang Phương, khoa Hồi sức tích cực là nơi thường tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng và có những bệnh lý đe dọa trực tiếp đến tính mạng từ các khoa chuyển xuống. Khi chuyển bệnh nhân xuống khoa thường phải mất thời gian để xem quá trình điều trị, diễn tiến của bệnh. Nhờ có công nghệ, chỉ từ trên máy, các bác sĩ đã có thể xem được ngay toàn bộ kết quả phim chụp của bệnh nhân từ trước đó; Đồng thời ngay lập tức đưa ra được hướng xử trí nhanh, không cần phải chờ đợi, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều.

BS. Trần Đăng Khoa, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, bệnh viện bắt đầu thực hiện thí điểm “bệnh viện không in phim” từ tháng 11/2015, nghiệm thu vào năm 2017 và đã cho thấy rất nhiều lợi ích, vì vậy Bộ Y tế đã quyết định cho triển khai.

Theo BS Trần Đăng Khoa, nhờ ứng dụng này, việc lưu trữ hình ảnh rất thuận tiện với số lượng nhiều, qua nhiều năm. Bên cạnh đó, giúp các bác sĩ có thể so sánh dễ dàng kết quả các lần chụp của bệnh nhân trong các giai đoạn khác nhau để có cái nhìn tổng thể về quá trình điều trị. “Nhờ ảnh phim chuẩn, các bác sĩ có thể phân tích, đo đạc được chính xác các kích thước của tổn thương chứ không phải như khi cầm tờ phim cồng kềnh có thể bị hỏng, bị xước theo thời gian, không chính xác trong đo đạc như thể hiện trên máy”- BS Khoa chia sẻ.

Thực tế cho thấy bệnh nhân lưu giữ phim để tham khảo cho lần khám chữa bệnh sau cũng không hiệu quả. Phim không được bảo quản đúng tiêu chuẩn, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và thường bị trầy xước không thể đọc chính xác. Bên cạnh đó, chi phí cho việc in và lưu trữ phim là rất lớn.

Với việc ứng dụng công nghệ trong lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa, mỗi năm, Bệnh viện đã tiết kiệm hàng tỷ đồng do không in phim, hạn chế được rác thải gây ô nhiễm và đặc biệt hạn chế những độc hại cho cán bộ y tế.

Từ ngày 1/9/2022, BVĐK tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy. Đây là số ít bệnh viện ở khu vực miền núi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, được Bộ Y tế đánh giá cao.

Là bệnh viện hạng 1 với 750 giường bệnh, 33 khoa, phòng và 476 cán bộ y bác sỹ, hàng năm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái khám và điều trị cho gần 190.000 lượt bệnh nhân; thực hiện trên 7.500 ca phẫu thuật kỹ thuật cao và trên 300 kĩ thuật vượt tuyến….

Bác sỹ Diêm Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái chia sẻ, hệ thống thông tin xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đạt mức nâng cao.

"Trước kia phải lấy phim từ Khoa chuẩn đoán hình ảnh, lấy kết quả từ Khoa Xét nghiệm mang lên để bác sỹ đọc nhưng đến nay có thể xem hoàn toàn trên máy và thực hiện ký, trả kết quả bằng máy hết. Hình ảnh cũng truyền tải trên máy, không cần thiết phải in phim nữa. Đó là những lợi ích về thời gian và kinh tế. Lợi ích thứ hai là giảm thải rác thải nhựa, những phim rửa của các thiết bị phóng xạ là một rác thải nhựa rất nề khi phải xử lí, khi xử dụng bệnh án điện tử thì giảm được rác thải này là một lợi ích rất lớn cho môi trường. Với người bệnh thì hạn chế được thời gian phải chờ đợi"- Bác sỹ Diêm Sơn cho biết.

Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước đã có 36 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử. Việc thực hiện bệnh án điện tử đã cho thấy rất nhiều lợi ích.

Với bệnh án điện tử, mỗi người dân sẽ có một mã số quản lý riêng được lưu trữ trong hồ sơ bệnh án ở bệnh viện. Khi người bệnh đến bệnh viện để khám, chữa bệnh, không phải cầm theo bệnh án giấy như trước kia; các bác sĩ vẫn nắm được đầy đủ thông tin của người bệnh, tiền sử bệnh tật… Nhờ bệnh án điện tử, người dân cũng không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm vì tất cả các thông tin đã được lưu trên hệ thống. Người bệnh cũng có thể dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ bằng bệnh án điện tử.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân, bác sĩ và người quản lý. Đồng thời, bệnh án điện tử cũng giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.

“Ngoài việc lưu trữ, truyền tải dữ liệu khám, chữa bệnh, việc triển khai bệnh án điện tử cũng sẽ giúp các bệnh viện tiết kiệm khoản chi phí rất lớn hàng năm cho việc làm bệnh án giấy, chi phí kho lưu trữ. Đồng thời, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm”- ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Chưa có sự liên thông, kết nối đồng bộ

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cũng cho biết, hiện cũng còn một số khó khăn khi các bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử. Các bệnh viện lâu nay vẫn thực hiện theo quy trình khám, chữa bệnh truyền thống. Khi thực hiện bệnh án điện tử sẽ làm mọi hoạt động, quy trình của bệnh viện đều bị tác động khiến nhiều bệnh viện e ngại. Cùng với đó, việc áp lực khi tự chủ cũng khiến không ít bệnh viện có tâm lý dè dặt, thực hiện bệnh án điện tử chỉ để thăm dò dẫn đến tốc độ triển khai còn chậm.

Theo BS. Trần Đăng Khoa, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Hữu nghị), mặc dù Bệnh viện đã thực hiện trơn tru những ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh nhưng việc triển khai các ứng dụng này vẫn chưa đồng bộ trong hệ thống các bệnh viện. Do đó, dù bệnh viện không còn phải in phim song bệnh nhân nếu phải chuyển sang bệnh viện khác vẫn phải in gửi kèm để hội chẩn. “Hiện giữa các bệnh viện cũng chưa có sự liên thông, kết nối đồng bộ. Nếu thực hiện được đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cao, giảm được chi phí, phiền hà cho người bệnh”- BS Trần Đăng Khoa cho biết.

Để đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành y, Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2023, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Giai đoạn 2024- 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên nhưng phải hoàn thành triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 31/12/2030.

Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cũng đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã/phường/thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các bệnh viện với nhau. Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh và bệnh viện./.

Bài liên quan
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới báo cáo vụ phát hiện ma túy
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vừa có báo cáo nhanh về vụ phát hiện hàng trăm viên ma túy trong bệnh viện này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất