Bài học kinh nghiệm rút ra trong ứng phó với bão số 4

PV/VOV-miền Trung | 28/09/2022, 19:30

Bão số 4 đổ bộ vào bờ gây gió giật cấp 9, cấp 10, có nơi giật đến cấp 12. Rất may không thiệt hại về người và tàu thuyền đảm bảo an toàn tại các nơi tránh, trú.

Bão số 4 được dự báo là cơn bão rất mạnh nên trong thời gian rất ngắn, 8 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã di chuyển hàng ngàn tàu thuyền, sơ tán hàng vạn người dân đi tránh bão. Dù đã giảm cấp khi vào bờ nhưng bão số 4 cũng đã gây gió giật cấp 9, cấp 10, có nơi giật đến cấp 12. Rất may không thiệt hại về người và tàu thuyền đảm bảo an toàn tại các nơi tránh, trú. Đây là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung trong mùa mưa bão năm nay. Bài học kinh nghiệm nào cần đúc kết để các địa phương ứng phó tốt hơn với những cơn bão tiếp theo.

Chủ động ứng phó với bão số 4, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Quảng Nam đã sơ tán hơn 45 nghìn hộ dân với hơn 155.000 nhân khẩu, trong đó, sơ tán tập trung hơn 18.000 hộ. Đây là đợt sơ tán tập trung tránh trú bão có số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương này. Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, ban đầu các thành viên trong gia đình rất ngại đi sơ tán tập trung vì bất tiện nhưng được Chính quyền địa phương vận động, ông Tuấn động viên cả nhà cùng đi tránh trú bão.

“Tôi có khuyên mẹ tôi đi sơ tán vì Nhà nước đã quan tâm bố trí chỗ ở an toàn, trong khi nhà mình là nhà cấp 4 nên yếu. Giờ thì an tâm, quá tốt rồi, cảm ơn Nhà nước quan tâm”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói.

Tại các tỉnh ven biển miền Trung, nhà cửa người dân chưa được xây kiên cố. Trong khi đó, lượng người sơ tán rất đông nên ngoài các trụ sở cơ quan nhà nước, trường học thì các tỉnh vận động bà con sơ tán xen ghép từ nhà yếu sang nhà kiên cố. Ngoài ra, các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn trên địa bàn đã tình nguyện mở cửa đón người dân đến tránh trú bão miễn phí. Khu nghỉ dưỡng Hoiana đã chuẩn bị 100 phòng, đảm bảo cho 400 người dân những xã ven biển các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên đến lưu trú.

Ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Hoiana cho biết, không chỉ riêng đợt tránh trú bão số 4 vừa qua mà những tình huống thiên tai cấp bách, doanh nghiệp này chuẩn bị đầy đủ số phòng và lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân yên tâm trú tránh bão.

“Đây là khu vực xung yếu sẽ chịu nhiều thiệt hại khi bão đổ bộ. Chúng tôi sẵn sàng phòng ốc để bố trí cho dân về trú bão, thậm chí số lượng cao nữa", ông Steve Wolstenholme chia sẻ.

Tại cuộc họp trực tuyến sáng nay do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 4 về công tác khắc phục hậu quả sau bão, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cả xã hội đã vào cuộc đồng bộ, khẩn trương với quyết tâm cao nhất vượt qua bão số 4.

Theo ông Đặng Văn Minh, kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi là thực hiện phương châm “4 tại chỗ” phải thực chất, không hình thức và phải có kiểm tra, giám sát. Việc sơ tán người dân không nhất thiết tập trung về ở trong các công trình công cộng. Bởi hiện nay nhà dân kiên cố nhiều hơn trước, nên tỉnh ưu tiên sơ tán xen ghép. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đồng hành với chính quyền địa phương giúp đỡ người dân. Nơi neo đậu tàu thuyền thì tỉnh giao lực lượng Biên phòng và dân quân tự vệ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của ngư dân, đưa toàn bộ ngư dân lên bờ.

Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi là khi chuẩn bị các kịch bản ứng phó với mưa bão, tỉnh xây dựng phương án sơ tán dân vùng nguy cơ sạt lở đất về nơi an toàn. Người dân ở nơi trũng thấp cũng sẽ được di dời đến nơi cao ráo trước khi lũ lụt ập đến.

Còn ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh này đã xây dựng các hợp đồng rất cụ thể với các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Ví dụ như lực lượng vũ trang địa phương, Quân khu 5 đóng chân trên địa bàn hỗ trợ địa phương như thế nào?. Ai ở đâu, thực hiện việc gì, phương tiện, nhân lực ra sao? đều nêu rõ trong hợp đồng tác chiến. Vì thế, khi có công điện ứng phó với bão thì tỉnh triển khai theo hợp đồng này. Về lĩnh vực giao thông vận tải, tỉnh cũng đã làm việc với Cục đường bộ 3, Bộ Giao thông - Vận tải, phối hợp với lực lượng giao thông của địa phương, doanh nghiệp,… bố trí lực lượng ứng trực sẵn ở những địa bàn có nguy bị sạt lở, chia cắt. Khi xảy ra sự cố, các lực lượng này theo kế hoạch phối hợp đảm bảo giao thông sẽ rất thuận lợi.

Theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh Quảng Nam đặc biệt coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân bằng mọi hình thức khác nhau, bằng tất cả các loại hình phương tiện. Người dân nắm bắt rất kịp thời đặc biệt không để xảy ra tình trạng chủ quan. Chính vì thế mà người dân hoàn toàn nắm được diễn biến, tình hình của cơn bão cũng như tinh thần chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương. Tỉnh cũng theo dõi chặt chẽ tàu thuyền, khi có những cơn bão mạnh thì phải kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Những tàu nào có khả năng vào được là yêu cầu vào ngay. Dựa trên thiết bị giám sát hành trình, địa phương biết được các tàu đó đang nằm ở đâu. Còn những tàu nào không cần thiết phải vào có thể chạy xuống những vị trí khác để tránh bão an toàn thì phải vận động họ khẩn trương thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên qua thực tế cho thấy, khi xuất hiện bão trên biển là có luồng cá di chuyển, do đó các tàu chạy ra khỏi những nơi không an toàn với tốc độ chậm để tìm cách đánh cá. Việc này cũng phải nghiên cứu có một chế tài nào đó để xử lý những trường hợp như vậy.

Tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều công trình thủy điện. UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp chặt chẽ giữa chủ hồ thủy điện với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Do đó, trong quá trình thực hiện đạt được sự thống nhất vận hành rất cao ngay từ trước, trong và sau bão lũ. Cách làm này mang lại hiệu quả vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa không gây thiệt hại cho vùng hạ du về tính mạng, tài sản của người dân. Qua cơn bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, cần phải nghiên cứu tìm ra những nội dung, kinh nghiệm quan trọng để phổ biến và nhân rộng bài học kinh nghiệm cho tất cả các địa phương trong vùng.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì các loại hình về thiên tai đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Gần đây, ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam bị động đất. Cách đây 2 năm, Quảng Nam đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng đề tài cấp nhà nước về đánh giá mối quan hệ giữa việc tích nước của các hồ thủy điện với việc động đất. Theo ông Lê Trí Thanh, trên cơ sở đó, chúng ta mới có căn cứ để xác định cho tích nước của các hồ đến bao nhiêu là vừa nhưng đến bây giờ đề tài đó vẫn chưa được thực hiện.

“Hiện nay tình trạng sạt lở đất ở khu vực miền núi, đặc biệt là khu vực có độ dốc cao, trượt dốc như tỉnh Quảng Nam và các khu vực Trung Trung bộ thì rất cần sự tham gia của các nhà khoa học để nghiên cứu các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể giúp cảnh báo sớm và giúp đỡ cho chính quyền địa phương trong việc di dời và sơ tán dân một cách chủ động”, ông Lê Trí Thanh cho hay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng kinh nghiệm lớn nhất khi ứng phó với bão số 4 là chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương. Chúng ta triển khai sớm, khẩn trương và đồng bộ từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, sự chủ động sát sao nghiêm túc trách nhiệm, chuyên nghiệp của lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố trong vùng, trong đó có cả hệ thống chính. Quan trọng nhất là ý thức, tự giác tuân thủ của người dân, đại bộ phận người dân cùng nêu cao trách nhiệm trong phòng tránh thiên tai thông qua vai trò vận động, khuyến cáo của chính quyền, nhất là cấp cơ sở.

Về thích ứng và sự tham gia của người dân khi ứng phó với thiên tai, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là nhân tố rất quan trọng, cần phải nâng cao năng lực, kỹ năng của cộng đồng. Theo ông Lê Minh Hoan, vai trò cộng đồng tham gia vào phòng chống thiên tai vào bão là cần thiết. Ví dụ, mô hình “Cộng đồng đồng quản lý” khai thác thủy sản ven phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là một gợi ý để mà chúng ta thích ứng kịp thời bão lũ.

Về việc cưỡng chế ngư dân rời tàu cá lên bờ, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần có cách tiếp cận khác tốt hơn. Khi ngư dân về trú tránh ở âu thuyền rồi bằng mọi giá chúng ta phải đưa ngư dân lên khỏi tàu, thực sự không đơn giản như thế. Bộ trưởng cho rằng, thay vì ép ngư dân lên bờ để rồi họ trốn tránh, chúng ta có thể cần phương tiện thông tin liên lạc để kết nối được trong bất kỳ tình huống nào thay vì cứ căng thẳng như thế này.  

“Tôi nghĩ rằng với phương tiện thông tin liên lạc như thế này với thời buổi đa phương tiện như thế này chúng ta phát huy được hiệu quả nhiều hơn. Cũng có suy nghĩ và trao đổi với các lãnh đạo địa phương chúng ta tiếp tục hoàn thiện về thể chế cũng như hoàn thiện số quy định những hướng dẫn để các địa phương có thể chủ động, các cộng đồng dân cư có thể chủ động hơn, các nghiệp đoàn ngư dân người ta có thể chủ động hơn để cùng với chung ta phát huy sức mạnh của chúng ta và sức mạnh của xã hội thì chúng ta có một câu chuyện là chúng ta chủ động các cơn bão về sau”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Về kinh nghiệm ứng phó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, trước hết phải có sự chỉ đạo từ sớm, từ xa. Thủ tướng Chính phủ liên tục có công điện gửi các địa phương, chủ trì những cuộc họp trực tuyến và yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt trong phòng chống bão số 4. Hệ thống chính trị từ Trung ương tới các bộ ban ngành, địa phương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm rất cao, xây dựng kế hoạch rất tỉ mỉ. Đặc biệt là các lực lượng Quân đội, Công an đã khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực chuẩn bị chu đáo từ lúc trước, trong và sau khi cơn bão vào đất liền. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, nhân dân rất là tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền; đánh giá cao sự đùm bọc, giúp đỡ, tương thân tương ái của bà con để cùng nhau vượt qua thiên tai, hoạn nạn.

“Trong thời gian rất, có những khách sạn dành riêng để hỗ trợ cho người dân địa phương sơ tán vào tránh trú bão. Tôi thấy tình cảm, chia sẻ, đùm bọc trong nhân dân rất cao, kèm theo đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ các cấp uỷ chính quyền rất hiệu quả, chúng tôi rất mừng vì điều này", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay./.

Bài liên quan
Mưa lũ làm 2 người chết và hàng chục người bị thương
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cập nhật thiệt hại đến 16h chiều nay (29/9), mưa lũ sau bão số 4 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích tại tỉnh Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất