50 năm ngày ký Hiệp định Paris: Nhớ mùa Xuân đầu tiên

Ánh Tuyết-Đình Thiệu/VOV-Miền Trung | 21/01/2023, 14:52

50 năm sau chiến tranh, chính tinh thần hòa hợp, đoàn kết đã góp phần quan trọng tạo nên sự hồi sinh kỳ diệu của mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Cách đây 50 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở Thế kỷ XX. Mùa xuân đầu tiên Qúy Sửu - 1973, người dân Quảng Trị được đón Tết trong tiếng pháo giao thừa, không còn tiếng đạn bom. Nửa thế kỷ đi qua, trong ký ức của nhiều người luôn nhớ mãi thời khắc mùa xuân đầu tiên năm ấy.

Ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Nguyên ủy viên UBND Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xã Hải Thượng năm 1972, nhớ mãi thời khắc lịch sử ấy. Lúc đó, người người vỡ òa trong vui sướng, ôm nhau reo hò.

Từ đây, hơn 85% diện tích của tỉnh Quảng Trị gồm các huyện, thị xã ở bờ Bắc sông Thạch Hãn và một phần đất của huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị được giải phóng. Con sông Thạch Hãn và vùng giải phóng Triệu Phong, thị xã Quảng Trị được xem là giới tuyến tạm thời thứ 2 sau Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải. Dù có lệnh ngừng bắn nhưng trên thực địa, 2 bên vẫn giành giật nhau từng mét đất. Quân giải phóng và quân Việt Nam cộng hòa thi nhau cắm cờ để bảo vệ vùng đất của mình.

“Chúng tôi lúc đó vô cùng sung sướng, ôm nhau nhảy lên reo hò. Hai hôm sau, anh em cán bộ du kích của xã ở vùng giải phóng gùi cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào cắm. Chúng tôi chia nhau đi cắm cờ. Với quan điểm, cờ cắm chỗ nào thì vùng đất đo của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở chỗ đó. Ngày hôm sau, Ủy ban Giám sát của Quốc tế sẽ vào giám sát và công nhận vùng đất đó là của mình”, ông Thăng bồi hồi nhớ lại.

Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết cũng là dịp người dân sắp đón Tết cổ truyền. Đó là mùa xuân đầu tiên Qúy Sửu 1973, bà con ở Quảng Trị được đón Tết trong tiếng pháo giao thừa, không còn tiếng đạn bom. Người Quảng Trị sơ tán ở Vĩnh Linh hân hoan trở về làng cũ. Tài sản của mỗi gia đình vỏn vẹn trên đôi quang gánh, quê hương chi chít hố bom, hố pháo, nền nhà xác xơ cỏ dại, đồng ruộng hoang vắng. Họ phải xây dựng lại từ đầu trên đống tro tàn ấy.

Bà Trần Thị Mỹ, ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong kể, ngày đó thiếu phương tiện, chỉ ưu tiên chở người già, trẻ em về quê, còn bà con phải chạy bộ trở về nhà. Khi Hiệp định được ký kết, bà con đi từng đoàn người, lòng vui như trẩy hội.

“Mọi người ai cũng phấn khởi, các chị em cõng con ở sau lưng, quang gánh ở trên vai vì ưu tiên cho những người già và trẻ em được đi xe. Llúc đó đi bộ cũng như đi xe vì người khỏe, quá sức phấn khởi được về gặp lại gia đình, chồng con, con gặp cha, chồng gặp vợ”, bà Mỹ nhớ lại.

Đêm đón giao thừa tết Quý Sửu năm 1973, khắp nơi vùng giải phóng tổ chức liên hoan văn nghệ dưới ánh sáng đèn dầu được làm từ mấy ống tre lồ ô, tim đèn làm bằng vải mộc. Âm thanh lúc bấy giờ chỉ có một máy bán dẫn chạy bằng pin nhưng khi phát ra loa sắt cho hàng ngàn người đều nghe.

Ông Trương Kim Quy, thành viên Đội văn nghệ xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong ngày đó kể lại, đúng vào ngày mùng 4 Tết năm đó, cấp trên chỉ đạo, đội văn nghệ tuyên truyền xã Triệu Phước vào tuyến chốt Long Quang, xã Triệu Trạch - nơi ranh giới tạm thời giữa 2 phía để biểu diễn làm công tác binh vận.

“Lúc đầu lính Cộng hòa rất ngạc nhiên nhưng đội văn nghệ vẫn đi rất tự nhiên, đi đến đâu cũng nói xin chào các chú, các anh, đã hòa bình rồi, mời các chú, các anh đến xem đội văn nghệ. Lúc đó, đội văn nghệ vác đàn ghi ta, đàn mandolin có các mẹ già đi theo, thậm chí còn cõng trên vai các em thiếu niên. Biểu diễn văn nghệ chừng nào, các cháu nói trên loa rằng: Ba ơi, về với mẹ và các con nhớ ba lắm! Đội văn nghệ tiếp cận lính Cộng hòa mời họ đến uống nước, ăn lương khô và nói chuyện. Dần dần, lính Cộng hòa thấy mình thoả mái, niềm nở tình cảm nen họ cũng đến ngồi nghe hát và vỗ tay”, ông Quy kể.

Những ngày Tết cổ truyền, hai bên tạm gác súng để ăn Tết. Chính trên khu vực đôi bờ sông Thạch Hãn, ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 có hiệu lực đã xuất hiện những hình ảnh hết sức xúc động về tình cảm dân tộc, về sự hòa hợp giữa hai miền Bắc - Nam.

Ông Chu Chí Thành - nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam là người may mắn có mặt và chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử sau khi Hiệp định Paris được ký kết tại chiến trường Quảng Trị. Ông đã ghi lại bằng hình ảnh những khoảnh khắc đáng nhớ của lịch sử, trong đó bức ảnh Hai người lính ở 2 phía chiến tuyến khoác tay nhau đã trở nên nổi tiếng sau này.

“Tôi cực kỳ xúc động khi thấy người lính của hai bên Cộng hòa và Quân Giải phóng có lúc gặp nhau ở điểm giữa 2 tuyến. Trong người tự nhiên tình cảm trào dâng và nghĩ rằng, tại sao những người lính hôm qua họ còn đánh nhau, hôm nay họ lại ôm nhau tay bắt, mặt mừng như vậy. Tôi nghĩ rằng, giữa họ luôn có khát khao hòa bình, họ vừa bước qua cái chết và họ gặp nhau nên họ ôm lấy nhau. Họ mừng và họ hy vọng được trở về với gia đình”, Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại.

Mảnh đất Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của chiến tranh Việt Nam, từng chứng kiến sự khốc liệt của bom cày đạn xới, chịu đựng nhiều hy sinh mất mát. Vậy nên, hòa bình là khát vọng cháy bỏng của người dân Quảng Trị cũng như của toàn thể Nhân dân Việt Nam. Khát vọng hòa bình cũng là tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh đang nằm trong lòng đất mẹ Quảng Trị.

Từ trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Quảng Trị luôn là một biểu tượng khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam và của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. 50 năm sau chiến tranh, chính tinh thần hòa hợp, đoàn kết đã góp phần quan trọng tạo nên sự hồi sinh kỳ diệu của mảnh đất này./.

Bài liên quan
Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ kiều bào
Đây là hoạt động mang tính nhân văn, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất