Xung đột Nga-Ukraine liệu có trở thành "Afghanistan thứ hai" với nước Mỹ?

23/07/2025, 08:02

Ông Trump đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó nhằn là chấm dứt xung đột ở Ukraine, giống như cách các đời tổng thống Mỹ trước phải gánh trách nhiệm với cuộc chiến tại Afghanistan.

Nhìn thoáng qua, cuộc chiến tại Ukraine dường như không có nhiều điểm tương đồng với cuộc chiến kéo dài hai thập niên ở Afghanistan. Ở Ukraine, hoàn toàn không có sự hiện diện của quân đội Mỹ và vai trò của Washington chỉ dừng lại việc viện trợ vũ khí cho Kiev, làm trung gian hòa giải cho hai bên tham chiến. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, những điểm tương đồng giữa hai cuộc xung đột này sẽ bắt đầu lộ diện – đặc biệt khi nhìn từ lăng kính của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.

Những cuộc chiến nước Mỹ không thể làm ngơ

Mỹ đưa quân vào Afghanistan vào cuối năm 2001, với mục tiêu trọng yếu là lật đổ chính quyền Taliban - lực lượng Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan thời điểm đó. Nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, khi gần 3.000 người Mỹ thiệt mạng trong một loạt vụ không tặc do mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda thực hiện. Washington cáo buộc Taliban đã dung dưỡng và bảo trợ al-Qaeda,cho phép tổ chức này lập trại huấn luyện, thiết lập hậu cứ, và lên kế hoạch tấn công ngay trên lãnh thổ Afghanistan.

Dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, Nhà Trắng tuyên bố phát động một cuộc "chiến tranh chống khủng bố toàn cầu", coi việc tiêu diệt al-Qaeda và xóa bỏ sự hiện diện của Taliban là một phần thiết yếu trong việc đảm bảo an ninh quốc gia Mỹ. Cuộc can thiệp quân sự mang tên chiến dịch "Tự do Bền vững" (Operation Enduring Freedom), bắt đầu vào tháng 10/2001, chỉ chưa đầy một tháng sau thảm kịch 11/9. Trong thời gian ngắn, chế độ Taliban bị lật đổ và một chính phủ mới do Mỹ hậu thuẫn được thành lập ở Kabul.

Đến năm 2020, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, chính quyền Mỹ đã ký Thỏa thuận Doha với Taliban, cam kết rút toàn bộ quân Mỹ trong vòng 14 tháng. Chỉ ít lâu sau, chính phủ đương nhiệm ở Kabul sụp đổ.

Giống như cách người tiền nhiệm Joe Biden từng phải gánh trách nhiệm trước lịch sử khi Kabul sụp đổ năm 2021, ông Trump đang đối mặt với vòng xoáy tương tự ở Ukraine. Dù chính ông Trump từng nhiều lần khẳng định đây không phải là "cuộc chiến của tôi" và tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ sau khi trở lại nhiệm sở, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Chiến sự vẫn tiếp diễn và ngày càng trở nên căng thẳng, sau khi mọi nỗ lực hòa giải do Mỹ dẫn dắt đều rơi vào ngõ cụt. 

Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nhận định thẳng thắn: "Tổng thống Trump đã nắm quyền điều hành chính sách gần nửa năm và cuộc chiến vẫn kéo dài. Giờ đây, mọi áp lực đang dồn về phía ông".

Bài toán giữa MAGA và Moscow

Vấn đề không chỉ nằm ở Ukraine hay Nga, mà nằm ở chính nền tảng cốt lõi đã đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng: lời hứa "Make America Great Again" (hay MAGA - tạm dịch: Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Việc lún sâu hơn vào xung đột Ukraine – dưới bất kỳ hình thức nào, từ tăng viện trợ quân sự đến áp đặt lệnh trừng phạt mạnh tay, đều có nguy cơ khiến những người ủng hộ ông Trump quay lưng lại với chính ông. Họ vốn ủng hộ chính sách đối ngoại biệt lập, phản đối "các cuộc chiến tranh không hồi kết" và coi việc đổ hàng tỷ USD vào một cuộc chiến ở một quốc gia xa xôi là đi ngược lại khẩu hiệu tranh cử ban đầu của ông chủ Nhà Trắng.

Ngược lại, nếu ông Trump chọn cách giữ khoảng cách, tiếp tục trì hoãn hoặc hạn chế viện trợ, ông có nguy cơ bị xem là mềm yếu trước người đồng cấp Nga. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các tổng thống Mỹ từng trải qua trong cách tiếp các cuộc xung đột kéo dài: can thiệp thì bị đánh giá là hiếu chiến, thoái lui thì bị coi là bạc nhược.

Ông Marc Thiessen, cây bút bảo thủ của Washington Post, từng cảnh báo: "Nếu Kiev sụp đổ do thiếu viện trợ, các đảng viên Cộng hòa sẽ bị đổ lỗi giống như cách ông Biden bị chỉ trích vì để Kabul rơi vào tay Taliban".

Cái bóng của quá khứ

Không thể phủ nhận rằng việc so sánh cuộc chiến ở Ukraine với cuộc chiến ở Afghanistan có phần khập khiễng về tính chất. Afghanistan từng có lúc chứng kiến sự hiện diện của hơn 100.000 lính Mỹ trong suốt hai thập niên nhưng Ukraine thì không. Nhưng về mặt chính trị, sự thất bại trong bất kỳ cuộc chiến nào sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín của Nhà Trắng.

Ông Michael Froman, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận xét: "Nếu hình ảnh các tay súng Taliban ngồi trên xe Humvee của Mỹ qua Kabul là một cơn ác mộng, thì hình ảnh xe tăng Nga lăn bánh qua Kharkov cũng không kém phần khủng khiếp".

Trước sức ép từ các đồng minh châu Âu và lo ngại về hình ảnh bị động, ông Trump mới đây đã đảo ngược lập trường, công bố kế hoạch chuyển hàng tỷ USD vũ khí cho Kiev và đặt ra thời hạn 50 ngày cho Nga ngừng bắn – nếu không sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế mới. Động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng kể từ chính sách trì hoãn viện trợ trước đó, nhưng cũng kéo Washington lún sâu hơn vào vũng lầy nguy hiểm.

Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly nhấn mạnh: "Tổng thống Trump muốn ngăn chặn giết chóc, đó là lý do ông ấy bán vũ khí cho NATO và đe dọa ông Putin bằng các biện pháp trừng phạt".

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu thông điệp này có làm hài lòng cả hai bên tham chiến, lẫn những người ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ trong nội bộ đảng Cộng hòa hay không. Những đồng minh từng sát cánh với ông Trump, như ông Steve Bannon - cựu cố vấn thân cận của Tổng thống Trump, nay bắt đầu lên tiếng cảnh báo: "Nếu ông Trump bán cho Ukraine vũ khí có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đó sẽ không còn là cuộc chiến của ông Biden. Đó sẽ là cuộc chiến của chính ông Trump".

Bài liên quan
Ông Trump: Mỹ sẽ tấn công lại cơ sở hạt nhân của Iran nếu cần thiết
Tổng thống Donald Trump cho biết Washington sẵn sàng mở lại cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran "nếu cần thiết".

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tích hợp 3 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Tư duy mới cho cấu trúc mới
Việc tích hợp “3 trong 1” không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật soạn thảo hay hành chính hóa mà thực sự là sự chuyển đổi về chất trong cách Đảng thiết kế chiến lược phát triển và lãnh đạo đất nước.
Mới nhất