Trong bối cảnh đó, các bên cũng đang nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến với việc mở màn vòng đàm phán ngừng bắn mới ở Doha, Qatar.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Volker Türk, trung bình có khoảng 130 người thiệt mạng mỗi ngày ở Gaza trong 10 tháng qua. Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về nhân quyền cũng ghi nhận các hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật nhân đạo quốc tế của cả quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine - bao gồm Hamas.
Trước tình hình này, ông Volker Türk tiếp tục kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức: “Khi thế giới suy ngẫm và cân nhắc về sự bất lực của mình trong việc ngăn chặn cuộc tàn sát này, tôi kêu gọi tất cả các bên đồng ý ngừng bắn ngay lập tức, hạ vũ khí và chấm dứt việc giết chóc một lần và mãi mãi. Các con tin phải được thả. Người Palestine bị bắt giữ tùy tiện phải được trả tự do. Sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel phải chấm dứt và giải pháp hai nhà nước được quốc tế nhất trí phải trở thành hiện thực”.
Lời kêu gọi của Cao uỷ Liên Hợp Quốc về nhân quyền được đưa ra trong bối cảnh, vòng đàm phán mới về ngừng bắn giữa các bên đã được nối lại ngày hôm qua (15/8) tại Doha, Qatar với sự tham dự của Mỹ, Qatar, Ai Cập và phái đoàn Israel. Phía Mỹ cho biết, mặc dù không mong đợi sẽ đạt thoả thuận ngay lập tức, tuy nhiên các cuộc đàm phán đã có sự "khởi đầu đầy hứa hẹn” và dù Hamas không tham dự nhưng họ đang nhận được các thông tin đầy đủ từ các đại diện có mặt tại cuộc họp.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết: “Qatar và Ai Cập đang làm trung gian với Hamas. Các đối tác đã đảm bảo với chúng tôi rằng, Hamas sẽ đại diện theo một cách nào đó, hình thức này hay hình thức khác và họ chắc chắn sẽ là một phần của các cuộc đối thoại đang diễn ra, điều này có lẽ là cần thiết khi chúng ta nói về các cuộc đàm phán giữa hai bên. Vì vậy chúng tôi không nghi ngờ gì rằng hình thức đàm phán hiện tại có thể đạt được mục tiêu mà các bên đề ra” .
Dư luận đánh giá, vòng đàm phán đang diễn ra là nỗ lực mới nhất của các bên nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu thực chất, đòi hỏi sự nhượng bộ đến từ cả Israel và Hamas. Trước thềm vòng đàm phán mới này, phong trào Hamas đã truyền tải thông điệp với các bên trung gian rằng nếu Israel đưa ra một đề xuất “nghiêm túc” phù hợp với các đề xuất trước đó của Hamas, nhóm này sẽ tiếp tục tham gia đàm phán. Nếu không vòng đàm phán hiện tại hoàn toàn có thể đi vào ngõ cụt như các vòng đàm phán trước đó.