Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11, đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Dữ liệu cá nhân bị mua bán hàng ngày, hàng giờ
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2024, lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Nữ đại biểu nhấn mạnh nguy cơ dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, bị mua bán vẫn đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra phổ biến trên không gian mạng, gây ra hậu quả khó lường, đồng thời gây rất nhiều bức xúc trong cử tri và nhân dân.
“Người sử dụng không hề biết những thông tin cá nhân của mình bị lộ, lọt ra từ đâu và cũng không thể ngờ được rằng các thông tin thuộc phạm vi bí mật cá nhân lại có thể trở thành những món hàng để các đối tượng mua bán, trao đổi và số tiền các đối tượng thu được từ những hành vi phạm pháp này cũng không hề nhỏ”, nữ đại biểu nêu thực trạng.
Hơn thế, việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng diễn ra công khai, trắng trợn với những thông tin chi tiết được rao bán từ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, chức vụ… Thậm chí các trang web còn ghi rõ số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ dễ dàng thương lượng, mua bán.
Theo đại biểu Thanh Hương, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào sự ra đời của Luật Dữ liệu, đồng thời kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo cho các ngành chức năng tích cực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh tình trạng này để thông tin của mỗi cá nhân sẽ được giữ gìn và bảo vệ, nhất là trên không gian mạng.
Lo lắng về tội phạm qua mạng
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng nhấn mạnh, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới hết sức tinh vi như hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng. Hoạt động tấn công mạng đang trở thành nỗi lo lắng trong người dân, bị lừa qua mạng thành mối nguy cơ hiện hữu hàng ngày, hàng giờ nếu người dân không tỉnh táo.
Bên cạnh nỗ lực tuyên truyền các cách thức thủ đoạn thì công an và các lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, ông cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, là thách thức lớn đối với xã hội hiện nay.
“Với một đất nước có tỷ lệ người dùng mạng xã hội lớn, chúng ta cần có sự đảm bảo an toàn, hết sức tránh những thiệt hại cho người dân. Cần có những hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn các hành động lừa đảo, vi phạm pháp luật thông qua mạng xã hội”, đại biểu đoàn Đắk Nông nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ có sự đầu tư thỏa đáng hơn về các nguồn lực.
Cũng tập trung phân tích về vấn đề này, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho rằng, việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để kết nối với các nền tảng trực tuyến công dân số là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là một loạt nguy cơ, đặc biệt là lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến.
Một trong những hình thức phổ biến là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn, ổn định của an ninh mạng và của xã hội của nước ta.
Năm 2024, cơ quan chức năng ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng viễn thông.
Đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Cùng với đó là các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng. Chính phủ cần đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo các điều kiện làm việc cho các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.