Xuất nhập khẩu sụt giảm gây áp lực cho các nhóm hàng tỷ đô

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN | 22/03/2023, 08:35

Vẫn còn thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục chậm lại.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD. Việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục chậm lại.

Giá trị gia tăng chưa như mong muốn

Xu hướng giảm giá và thiếu hụt đơn hàng dẫn tới trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm, ngoại trừ nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Đáng chú ý, xuất khẩu của nhiều nhóm mặt hàng “tỷ USD” giảm khá mạnh so với cùng kỳ như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ... 

Trong khi đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022 (tương đương với kim ngạch gần 394 tỷ USD); cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Nhưng với thực trạng của hoạt động xuất khẩu thời gian qua cho thấy, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Do đó, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Cùng với đó, việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù mục tiêu năm 2023 thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022, song đây cũng là thách thức lớn cho Việt Nam. Bởi năm 2023, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Lạm phát tăng cao, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng, chống dịch Covid-19 ở một số nước cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu, theo hướng bất lợi khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. 

Từ góc độ DN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, trong năm 2023, áp lực về nguyên liệu sẽ giảm bớt do Trung Quốc mở cửa trở lại, song đơn hàng sẽ là khó khăn cho các DN dệt may do tình hình kinh tế thế giới nói chung, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Đánh giá về xu hướng của hoạt động xuất khẩu năm 2023, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết), thực trạng xuất khẩu và nhập khẩu sụt giảm từ quý IV/2022 đã cho thấy, các DN xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng mới, dẫn tới không nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, từ đó sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của năm 2023.

Tác động cạnh tranh bởi các tiêu chuẩn mới

Yêu cầu bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn xanh hóa các sản phẩm từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe là lưu ý của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong hoạt động xuất khẩu năm 2023. Theo ông Hải, những tiêu chuẩn mới từ các thị trường xuất khẩu sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, buộc những DN gia công, sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu này.

Điển hình cho cảnh báo này, ông Trần Thanh Hải đề cập tới việc Liên minh châu Âu sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, Liên minh châu Âu sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. “Đây là yếu tố rất mới, tác động lớn vào tính cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, các DN cần lưu ý nghiên cứu và có giải pháp xử lý”, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa; phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân…

Qua tín hiệu thương mại gần 3 tháng đầu năm có thể thấy, tình hình xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam sẽ còn là một ẩn số khó lường, khi thị trường thế giới tiếp tục có những diễn biến khó đoán định. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có các chính sách điều hành phù hợp, các DN chủ động cập nhật thông tin, ứng phó kịp thời với những biến động mới của thị trường./.

Bài liên quan
6 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nửa cuối năm 2023, kỳ vọng hút tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kết quả phát triển thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam nửa đầu 2023 và định hướng trong nửa cuối 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất