Vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra vào ngày 7/6 tại ấp Gò Ân, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm dọc theo bờ sông Măng Thít với chiều dài khoảng 60m. Vụ việc làm nứt nhà 2 hộ dân và làm ảnh hưởng đến 5 hộ dân khác.
Hiện nay khu vực này có khoảng 40 m nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở tiếp trong thời gian tới. Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đến hiện trường giúp dân khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Tân An Luông cho biết: "Xã đã giúp dân di dời tài sản, sau đó báo cáo với Ban chỉ đạo huyện, tỉnh cũng đã xuống đây kiểm tra để có phương án khắc phục. Đánh giá mức độ thiệt hại rồi sau đó mới tính tiếp".
Cũng trong ngày 7/6, trên phần đất của ông Nguyễn Văn Hải và ông Nguyễn Văn Hồng ở ấp Tân Phong 1, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít bất ngờ bị sạt lở ăn sâu khoảng 5 m. Sạt lở làm mất toàn bộ hàng rào nhà dân với chiều dài 25 m.
Đoạn mới phát sinh tại phần đất của ông Nguyễn Minh Ngọc (ấp Tân Phong 1) có chiều dài sạt lở 75 m, rộng 8 m, sâu 4 m. Tường nhà ông Ngọc bị nứt, sụp mất toàn bộ nhà tắm, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 60 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 6/6, tại ấp Tân Phong 1, xã Tân Long Hội cũng xảy ra sạt lở bờ sông với chiều dài 38 m, rộng 6 m, sâu 3 m, Thiệt hại đường đan dài 10 m, mặt đường 3,5 m.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai, Phó chủ tịch UBND xã Tân Long Hội thông tin: "Đoạn tuyến sông này ngay khút co của dòng chạy có nguy cơ sạt lở rất lớn. Về giải pháp thi công thì địa phương đề xuất chủ đầu tư và các ngành có liên quan nghiên cứu có thể xây dựng rọ đá, gia cố kè đảm bảo có sự bồi lắng nhằm giảm nguy cơ sạt lở trên tuyến đê bao".
Trước đó khoảng 1 tuần, trên sông Cái Cao thuộc địa bàn ấp Phú Thạnh, xã Phú Đức huyện Long Hồ xảy ra sạt lở. Đoạn sạt lở có chiều dài 20m ăn sâu vào đất liền 3 m ảnh hưởng đến tuyến giao thông nông thôn. Hiện còn khoảng 45 m có nguy cơ tiếp tục sạt lở, các cơ quan chức năng đang khắc phục nhằm bảo vệ 20ha đất sản xuất và 100 hộ dân ở khu vực này. Trên tuyến sông Cái Cao đi qua xã Phú Đức, những năm gần đây thường xuyên xảy ra sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân.
"Có nguy cơ sạt lở rất cao và ảnh hưởng đến nhà tôi sạt xuống sông. Ở đây có khoảng hơn 70 hộ dân trồng cây đặc sản sầu riêng, ảnh hưởng nhiều lắm. Tôi cũng muốn chính quyền cấp trên làm sao khắc phục càng sớm càng tốt", anh Nguyễn Văn Hai - một người dân địa phương nói.
Sau khi xảy ra các vụ sạt lở Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp chính quyền địa phương đến hiện trường khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, vận động người dân thu dọn đồ đạc, vật dụng di chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời bàn phương án và giải pháp khắc phục tạm thời, lắp đặt biển cảnh báo người dân không đi vào khu vực sạt lở.
Mới bước vào mùa mưa mà Vĩnh Long đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về đất đai và tài sản nhà cửa của người dân khá nhiều. Đặc biệt là các tuyến đường giao thông và đê bao cần phải xây dựng lại. Thực tế cho thấy tình trạng sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong mùa mưa bão này ở tỉnh Vĩnh Long.