Bất cập thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Ngay khi nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) về những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT giao thông, chiều 29/11, ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XV đã trực tiếp kiểm tra và nắm tình hình tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500.
Sau khi trực tiếp trải nghiệm toàn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và dừng chân tại cuối tuyến đường (khu vực đường cụt cách TP.Lạng Sơn 30km) ông Lê Thanh Vân đánh giá, đây là dự án "giải cứu" có thời gian thi công nhanh, đảm bảo về chất lượng và an toàn, cho thấy năng lực và sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư.
Tại đây, ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng giám đốc Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, dự án BOT cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn dài 64km, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 được khởi công vào tháng 7/2015.
Tuy nhiên, sau gần hai năm triển khai, liên danh nhà đầu tư do Công ty CP Đầu tư UDIC đứng đầu liên tục vi phạm hợp đồng đã ký kết với Bộ GTVT khi không thể huy động được nguồn vốn tín dụng cho dự án khiến công trình chậm tiến độ nghiêm trọng (đến tháng 6/2017, hợp phần tăng cường mặt đường QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và hợp phần đường cao tốc không triển khai).
Cùng thời điểm đó, người đứng đầu Công ty CP Đầu tư UDIC là ông Nguyễn Văn Dương đã bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao khiến dự án đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ vì đã tạm ứng hàng trăm tỷ đồng để thi công trước. Số nợ ngày càng lớn vượt qua sự kiểm soát, thậm chí đã có lãnh đạo nhà thầu nghĩ đến việc tìm đến cái chết vì "không nhìn thấy lối thoát".
Tháng 5/2017, Bộ GTVT quyết định thay "máu" nhà đầu tư dự án bằng việc kêu gọi một số nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 1/6/2017, dự án chính thức được khởi động lại, đánh dấu bằng sự kiện ngân hàng Vietinbank ký hợp đồng tài trợ nguồn vốn tín dụng cho dự án để triển khai thi công trị giá hơn 10.000 tỷ đồng.
Bằng các giải pháp điều hành linh hoạt của nhà đầu tư mới bắt tay bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực…các nút thắt của dự án đã được tháo gỡ, tiến độ thi công tăng thần tốc, hợp phần tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 của dự án đã hoàn thành vào tháng 3/2018. Tiếp đó, hợp phần đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km cũng hoàn thành vào cuối năm 2019, chỉ hơn 2 năm thi công.
Sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét xử lý những tồn tại, bất cập
Thông tin thêm về những khó khăn vướng mắc của dự án, ông Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ nguồn vốn của nhà đầu tư, không có vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Theo hợp đồng BOT đã ký kết, để đảm bảo phương án tài chính của dự án khả thi, ngoài các trạm thu giá kín (thu giá theo km sử dụng) trên tuyến cao tốc, nhà đầu tư được quyền sử dụng hai trạm thu phí (hình thức thu hở) trên QL1, một trạm tại Km24+900 và một trạm tại Km93+160.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản đề nghị cơ quan chức năng bỏ một trạm thu phí trên QL1 (trạm Km24+900) và chỉ thu phí tại trạm Km93+160, đồng thời điều chỉnh phương án tài chính của dự án theo hướng bổ sung đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị kết nối vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và áp dụng thu phí đồng nhất trên toàn tuyến Bắc Giang đến Cửa khẩu Hữu Nghị. Thực hiện phương án này, tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ bố trí 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách để hỗ trợ dự án.
"Đến thời điểm này, các cam kết của phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều bị phá vỡ khiến doanh thu của dự án từ khi đưa vào khai thác, vận hành đến nay chỉ đạt 1.208 tỷ đồng, tương ứng 31,5% so với phương án tài chính ban đầu, không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng", ông Vĩnh cho biết.
Do phương án tài chính bị thay đổi, ngân hàng Vietinbank đã dừng giải ngân vốn vay tín dụng từ ngày 30/9/2020 khiến doanh nghiệp dự án không có chi phí để thanh toán cho nhà thầu (hiện còn khoảng 500 tỷ đồng).
Đại diện nhà đầu tư kiến nghị ĐBQH Lê Thanh Vân báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Viettinbank điều chỉnh cơ cấu nợ của dự án trong năm 2023 trên cơ sở nguồn thu thực tế hiện nay; tiếp tục giải ngân phần tín dụng còn lại không để dự án bị ách tắc; xem xét giảm lãi suất, giãn nợ để phù hợp với các khó khăn mà dự án đang gặp phải.
"Chúng tôi cũng kiến nghị ĐBQH có ý kiến với UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% theo quy định của luật PPP bởi dự án thâm hụt nguồn thu mà nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như miễn giảm thu phí tại trạm Km93+160, cắt giảm một trạm thu phí trên QL1, chậm trễ thực hiện tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng", ông Vĩnh đề xuất.
Đánh giá kiến nghị của nhà đầu tư là hoàn toán chính đáng, ĐBQH Lê Thanh Vân nói thẳng: "Đây là dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT và Quốc hội đã có một chuyên đề giám sát rồi. Các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án là hoàn toàn chính đáng. Bởi, việc cắt bỏ một trạm thu phí trên QL1 tại dự án là lỗi từ phía cơ quan nhà nước, cụ thể ở đây là UBND tỉnh Lạng Sơn".
“Tiếp theo là tỉnh Lạng Sơn phá vỡ cam kết hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho dự án 2.000 tỷ đồng, đây là vi phạm hợp đồng đã ký kết. Từ những thay đổi của tỉnh Lạng Sơn dẫn tới việc ngân hàng cũng thay đổi chính sách tín dụng cho dự án khiến dòng vốn cấp cho dự án bị ngưng trệ”, ông Vân nêu ý kiến.
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, khi đã ký kết hợp đồng thì các chủ thể đều có quyền bình đẳng, không phân biệt công tư.
"Bên nào vi phạm thì bên đấy phải chịu trách nhiệm, cụ thể ở dự án này là UBND tỉnh Lạng Sơn đã vi phạm và phá vỡ các cam kết với nhà đầu tư. Với cương vị là Đại biểu Quốc hội, tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét xử lý vấn đề này", ông Vân chia sẻ./.