Xét tuyển sớm là một trong những lý do khiến điểm chuẩn đại học tăng cao?

Nguyễn Trang/VOV.VN | 20/08/2024, 10:24

Phương thức xét tuyển sớm mang lại cơ hội tốt hơn cho thí sinh, tuy nhiên cũng gây ra lượng thí sinh ảo cho rất nhiều trường đại học. Đồng thời việc xét tuyển sớm cũng tạo ra xu hướng khiến số lượng chỉ tiêu dành  cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến điểm chuẩn trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT tăng cao.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường đại học công bố điểm trúng tuyển đợt 1 từ ngày 17/8, chậm nhất đến hết ngày 19/8.

Sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh bắt buộc phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Thời gian hoàn thành xác nhận nhập học chậm nhất là 17h ngày 27/8. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đã có những chia sẻ về đợt xét tuyển đại học lần 1 năm nay.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, đến nay, các trường đại học trên cả nước đã hoàn thành việc công bố điểm trúng tuyển đợt 1, bà có đánh giá gì về đợt xét tuyển đại học lần 1 năm nay?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Đến thời điểm này, tất cả các nội dung về xét tuyển đại học đã được thực hiện theo đúng kế hoạch và lịch trình, tạo điều kiện thuận  lợi cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là thí sinh.

Với chính sách tuyển sinh ổn định và sự phối hợp nhịp nhàng của các bên liên quan, hệ thống xét tuyển chung hoạt động ổn định. Đến hôm nay, khi thí sinh đã biết được điểm chuẩn vào các nguyện vọng mà mình mong muốn, các em cũng bắt đầu xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT.

Có thể đánh giá, công tác xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT đã được tổ chức hiệu quả, mang lại  tác động tốt, chính sách tuyển sinh ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đảm bảo quyền lợi của các em. Các trường đại học cũng đã quen  với việc xét tuyển chung, các nhóm xét tuyển ở miền Bắc và miền Nam đều hoạt động rất nhịp nhàng. Trong quá trình thực hiện cũng có một số vướng mắc nảy sinh, nhưng sự hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật đã giúp các trường giải quyết các vướng mắc đó.

Với sự hoàn thiện của hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật, những cải tiến về mặt kỹ thuật trong năm qua đã giúp  thí sinh hoàn thành việc xét tuyển trực tuyến. Các em đã thực hiện rất tốt với những kỹ năng số đã thực hiện trong thời gian vừa qua.

PV: Sau khi biết điểm chuẩn của các trường đại học, thí sinh cần lưu ý những gì thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Sau khi biết điểm chuẩn, các em cần xác nhận trúng tuyển trực tuyến trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Nếu các em không xác nhận, đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội vào các trường đại học mà mình đã trúng tuyển. Do đó, thí sinh cần thực hiện các bước, các khâu trong quy trình xác nhận nhập học trực tuyến đúng quy định, hướng dẫn, đến khi kết thúc quy trình và hệ thống thông báo xác nhận nhập học thành công. Sau đó các trường đại học sẽ gửi thông tin  cụ thể để thí sinh đến trường nhập học.

PV: Với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1, các em cần lưu ý những gì cho đợt xét tuyển tiếp theo, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Những thí sinh chưa trúng tuyển đúng nguyện vọng mong muốn ở đợt 1, các em có thể tiếp tục nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường có kế hoạch tuyển sinh ở những đợt tiếp theo.

Theo kế hoạch, các trường có quyền tuyển sinh đến hết ngày 31/12/2024. Hiện, một số trường cũng đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 để giúp các em có thêm cơ hội trúng tuyển vào những nguyện vọng mong muốn.

PV: Năm 2024 điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều khối xét tuyển, nhiều ngành tăng mạnh so với những năm trước, vậy thí sinh có nên tham gia xét tuyển sớm để "chắc suất" vào đại học hay không, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã nhận thấy, các phương thức xét tuyển sớm có mang lại cơ hội trúng tuyển tốt hơn cho thí sinh, tuy nhiên cũng gây ra lượng thí sinh ảo cho rất nhiều trường đại học trên cả nước. Đồng thời việc xét tuyển sớm cũng tạo ra xu hướng khiến số lượng chỉ tiêu dành  cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm. Đây cũng là một trong những lý do làm cho điểm chuẩn trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT có xu hướng tăng cao.

Bộ GD-ĐT nhận thấy cần xem xét lại phương thức xét tuyển sớm trên góc độ tính công bằng giữa các phương thức, liệu có đảm bảo nguồn đầu vào công bằng giữa các phương thức hay không. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án điều chỉnh quy chế tuyển sinh từ năm 2025 theo hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, quyền lợi của thí sinh.

PV: Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đổi mới theo Chương trình GDPT 2018, vậy phương thức xét tuyển đại học trong năm tới có những thay đổi ra sao, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Bộ GD-ĐT đang trong  quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan để đưa ra phương án điều chỉnh quy chế tuyển sinh cho năm tới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự khác biệt, thay đổi so với những năm trước đây, do đó sự điều chỉnh quy chế tuyển sinh là điều rất bình thường. Ngay trong hội nghị giáo dục đại học 2024 vừa qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo những phương hướng  để điều chỉnh lại phương thức xét tuyển, đặc biệt là phương thức xét tuyển sớm, còn phương án cụ thể vẫn cần chờ thêm thời gian tới.

Bài liên quan
Nhiều trường bớt phương thức xét tuyển, thí sinh lo giảm cơ hội vào đại học
VOVLIVE - Việc các trường giảm phương thức xét tuyển cùng với đó là sự hạn chế về môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp khiến nhiều thí sinh lo lắng về cơ hội vào đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
Mới nhất