Xảy ra cháy nghiêm trọng: Lo ngại có lỗ hổng trong quản lý

Phi Long/VOV.VN | 29/05/2024, 14:56

Những vụ việc cháy nhà trọ đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương vừa qua, cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và quản lý Nhà nước.

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn tỉnh Bắc Giang) cho biết cơ bản nhất trí với báo cáo về kinh tế-xã hội do Chính phủ trình Quốc hội.

Theo đó, năm 2023 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế-xã hội của nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng: Kinh tế phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông; nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng, là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần tập trung có giải pháp quyết liệt để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đại biểu phản ánh về tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, đại biểu quan tâm đến vấn đề về an ninh, an toàn thực phẩm, an toàn trên không gian mạng. Theo đại biểu, vấn đề phòng cháy chữa cháy nói chung và đặc biệt là các chung cư mini, căn hộ cho thuê tiếp tục gióng lên hồi chuông về thực hiện các quy định phòng cháy chữa cháy…

"Vấn đề ở đây là nguyên nhân do đâu, do cơ chế còn khoảng trống trong sự chồng chéo của các quy định pháp luật hay do việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá rõ hơn để có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới", đại biểu Nguyễn Văn Thi nêu rõ.

Cũng tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) lưu ý đến việc cần hết sức chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân, cả về thể chất và tinh thần.

“Tôi hết sức lo ngại khi gần đây diễn ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vụ việc liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm hình sự, gây bất an trong xã hội, chi phối sự tập trung của doanh nghiệp, người dân cho phát triển kinh tế”, bà Yên nói.

Đáng lưu ý, theo đại biểu, những vụ việc cháy nhà trọ đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương vừa qua, cho thấy “lỗ hổng” trong việc tuân thủ các quy định về PCCC và quản lý Nhà nước có liên quan.

Đại biểu đoàn Điện Biên cho rằng, nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn.

“Vấn đề ở đây là trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa”, bà Yên cho hay.

Theo Phó Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, cử tri tha thiết và mong muốn công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Trung ương cũng như địa phương được thực hiện một cách thực chất hơn, nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Qua đó, cần tăng cường số hóa để bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định, có cơ chế pháp lý rõ ràng, đảm bảo tránh những rủi ro, tăng cường trách nhiệm cho cả người dân, cán bộ công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc.

“Vừa qua, việc đùn đẩy trách nhiệm, giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, bà Yên nói.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội tiếp các đại biểu hội phụ nữ và nữ doanh nhân Lào, Campuchia
Sáng 4/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đoàn đại biểu hội phụ nữ và nữ doanh nhân Lào và Campuchia  nhân dịp tham dự Diễn đàn kết nối và giao lưu nữ doanh nhân ba nước với chủ đề “Nữ doanh nhân và Kinh tế xanh” tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại Lữ đoàn Công binh 25
Trong chương trình công tác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sáng nay, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh đã đến thăm và làm việc tại Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Mới nhất