Việt Nam tham dự Phiên họp của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế

Lại Hoa/VOV1 | 17/05/2021, 21:46

Quốc hội Việt Nam kêu gọi Nghị viện các nước thúc giục Chính phủ tăng cường chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững.

Trong khuôn khổ Chương trình phiên họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) -142, tối nay (17/5), tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cùng Đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại; đại diện thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường tham dự Phiên họp của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Geneve (Thụy Sĩ) với 35 nước tham dự.

Tại Phiên họp, các nước đã thảo luận về định hướng hành động nghị viện trước những mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh; Thông qua Nghị quyết về chính sách nghiện viện nhằm tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các mối đe dọa và xung đột do biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai gây ra.

Phát biểu trực tuyến tại Phiên họp về Chiến lược nghị viện để tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các mối đe dọa và xung đột do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các hệ lụy của chúng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cho biết: Việt Nam chia sẻ với các vị đại biểu và chuyên gia về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân, tiềm ẩn những mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở mỗi quốc gia. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Liên minh Nghị viện Thế giới trong việc nâng cao nhận thức, hành động của nghị viện, chính phủ và người dân về các vấn đề hòa bình, an ninh do biến đổi khí hậu gây ra.

Để tăng cường hiệu quả trong hợp tác đa phương, đặc biệt là tăng cường vai trò của các Nghị viện và IPU trước các mối đe dọa, xung đột có liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam đề xuất Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì ý chí, cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu về chống biến đổi khí hậu vì hòa bình, an ninh trên thế giới. Đồng thời tiếp tục khẳng định nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu ưu tiên quan trọng và cần hành động thiết thực hơn nữa. Việc cung cấp các nguồn lực tài chính cần cân bằng giữa thích ứng và giảm nhẹ, có xét đến chiến lược, mức độ ưu tiên và nhu cầu của quốc gia.

Việt Nam cho rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần phù hợp với điều kiện của từng nước, được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia trên cơ sở phát triển bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, coi người dân là trung tâm, hỗ trợ hơn nữa những cộng đồng người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Đồng thời cần có cơ chế quốc gia về giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.

Quốc hội Việt Nam kêu gọi Nghị viện các quốc gia thúc giục Chính phủ mình chưa hoàn thành trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính trong giai đoạn trước năm 2020 tiếp tục thực hiện trách nhiệm này bên cạnh các nghĩa vụ mới trong giai đoạn kể từ sau năm 2020. Đồng thời tích cực phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế, cứu trợ để giúp đối tượng bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải các-bon thấp nhằm đảm bảo phục hồi bền vững, tạo việc làm mới cho người lao động thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, giao thông thông minh và thiết lập nền kinh tế tuần hoàn./.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội kết thúc chuyến công tác tham dự IPU-150
Sáng 9/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm khảo sát mô hình chính quyền hai cấp tại TP. Hồ Chí Minh
VOVLIVE - Chiều nay (29/6), Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp đi khảo sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại phường Xuân Hòa và xã Tân Vĩnh Lộc, trước thềm vận hành phường, xã mới. Cùng đi với Tổng Bí thư có Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
  • Xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt 94,7%
    VOVLIVE - Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo tại Phiên họp thứ năm của Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho biết: Cả nước đã có 38/63 địa phương hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng, tăng 23 địa phương so với Phiên họp thứ tư.
  • Trung Quốc ứng phó lũ khẩn cấp: 40.000 người sơ tán, 13 sông vượt mức báo động
    VOVLIVE - Trung Quốc ứng phó khẩn cấp lũ lụt ở Quý Châu khiến hơn 40.000 người dân phải sơ tán, mực nước nhiều sông lên mức báo động.
  • Kỳ thi THPT 2025: Đổi mới giáo dục nhưng cần cân đối giữa dạy - học - thi
    VOVLIVE - Kỳ thi năm nay đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, khi hơn 1 triệu thí sinh lần đầu dự thi theo Chương trình GDPT 2018. Đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực. Tuy vậy, sau kỳ thi cũng đặt ra những bài toán về sự đồng bộ giữa đổi mới thi cử với điều kiện dạy - học và yêu cầu bảo đảm công bằng trong xét tuyển.
Mới nhất