Vì sao UAV Mỹ thất thế trên chiến trường Ukraine?

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo WSJ | 11/04/2024, 10:00

Máy bay không người lái do các công ty khởi nghiệp của Mỹ chế tạo được đánh giá là nhiều trục trặc và đắt đỏ, buộc Ukraine phải chuyển sang các lựa chọn thay thế sẵn có từ Trung Quốc.

Công ty Skydio của Mỹ đã gửi hàng trăm máy bay không người lái (UAV) tốt nhất của họ tới Ukraine để giúp Kiev chống lại Nga. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như kỳ vọng.

UAV của Skydio bay chệch hướng và thất lạc do bị Nga áp chế điện tử. Skydio đã phải quay trở lại bàn vẽ để thiết kế các mẫu UAV mới.

Hầu hết các UAV cỡ nhỏ do các công ty khởi nghiệp của Mỹ chế tạo đều không thể hoạt động trong chiến đấu. Điều này làm tiêu tan hy vọng rằng việc vũ khí, thiết bị được thử nghiệm trên chiến trường sẽ mang lại cho các công ty này cả doanh thu và danh tiếng. Đây cũng là tin xấu đối với Lầu Năm Góc bởi chính họ cũng đang cần nguồn cung cấp đáng tin cậy hàng nghìn UAV cỡ nhỏ.

UAV do Mỹ sản xuất thường đắt tiền, trục trặc và khó sửa chữa. Đó là nhận xét của binh sỹ Ukraine ở tiền tuyến, các quan chức Ukraine và cựu quan chức quốc phòng Mỹ. Chính các công ty sản xuất UAV của Mỹ cũng thừa nhận thực tế này.

Vì lý do nói trên, Ukraine đã phải chuyển sang sử dụng các sản phẩm rẻ hơn của Trung Quốc có thể dễ dàng mua trên các sàn thương mại điện.

“Danh tiếng chung của các UAV Mỹ được sử dụng ở Ukraine là chúng không hoạt động tốt như các hệ thống khác”, Giám đốc điều hành Skydio, ông Adam Bry, cho biết.

Các công ty của Mỹ đang cố gắng chế tạo những chiếc UAV cỡ nhỏ tích hợp AI với hy vọng bán chúng cho chính phủ Mỹ. Họ tập trung vào dòng UAV thương mại để có thể sản xuất nhanh hơn và giá rẻ hơn so với UAV quân sự cỡ lớn do các công ty quốc phòng truyền thống sản xuất.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine nhận thấy UAV do Mỹ sản xuất rất mỏng manh, chúng không thể vượt qua công nghệ áp chế điện tử và gây nhiễu GPS của Nga. Có lúc, chúng không thể cất cánh, hoàn thành nhiệm vụ hay quay trở lại nơi xuất phát. UAV của Mỹ cũng thường không bay được quãng đường như quảng cáo và không mang được trọng tải đáng kể.

UAV Mỹ không đáp ứng được thực tế chiến trường

Mykola Bielieskov, nhà phân tích cấp cao tại Come Back Alive, một tổ chức từ thiện của Ukraine đã cung cấp hơn 30.000 UAV cho quân đội, cho biết các UAV cỡ nhỏ của Mỹ dành cho chiến trường không đáp ứng được thực tế.

Các công ty sản xuất UAV của Mỹ cho biết họ không lường trước được cuộc chiến điện tử ở Ukraine. Trong trường hợp của Skydio, UAV của hãng này được thiết kế vào năm 2019 để đáp ứng các tiêu chuẩn liên lạc do quân đội Mỹ đặt ra. Một số công ty khác cho biết những quy định chặt chẽ của Mỹ đối với linh kiện và việc thử nghiệm UAV đã hạn chế những gì họ có thể chế tạo cũng như tốc độ chế tạo ra chúng.

Georgii Dubynskyi, Thứ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, cơ quan giám sát chương trình UAV của nước này, cho biết những hạn chế đó đã trở thành vấn đề khi các cuộc chiến UAV đỏi hỏi loại thiết bị này phải được nâng cấp hàng ngày.

“Những gì đang bay hôm nay sẽ không thể bay được vào ngày mai. Chúng ta phải thích ứng với công nghệ mới một cách nhanh chóng. Chu kỳ đổi mới trong cuộc chiến này rất ngắn”, ông Dubynskyi nói.

Kiev đã tìm mọi cách để có được hàng chục nghìn UAV cũng như các linh kiện UAV từ Trung Quốc. Quân đội Ukraine hiện đang sử dụng UAV có sẵn từ Trung Quốc, chủ yếu là của SZ DJI Technology.

Ukraine cũng phát triển ngành công nghiệp UAV nội địa dựa vào linh kiện của Trung Quốc. Các nhà máy ở Ukraine đang sản xuất hàng trăm nghìn UAV cỡ nhỏ, rẻ tiền và có thể mang theo chất nổ. Họ cũng sản xuất cả UAV cỡ lớn có thể tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương và tiếp cận các tàu Nga trên Biển Đen.

“Ukraine muốn thử nghiệm và sử dụng nhiều UAV của Mỹ hơn. Mặt khác, chúng tôi cũng đang phải tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí”, ông Dubynskyi cho hay.

Lực lượng Ukraine tiêu hao khoảng 10.000 UAV mỗi tháng. Chừng đó là quá tốn kém nếu họ phải mua UAV đắt tiền của Mỹ. Nhiều UAV thương mại của Mỹ có giá cao hơn hàng chục nghìn USD so với các mẫu tương tự của Trung Quốc.

Chưa đầy một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Lầu Năm Góc đã phê duyệt việc cung cấp cho Ukrain UAV Switchblade 300 do AeroVironment sản xuất. Tuy nhiên, theo một cựu quân nhân Mỹ, Switchblade đã phải đối mặt với những thách thức ban đầu từ các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.

Hạn chế do chính sách

Những hạn chế của UAV do Mỹ sản xuất là vì Bộ Quốc phòng đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với các nhà sản xuất, bao gồm lệnh cấm các linh kiện Trung Quốc, khiến việc chế tạo máy bay không người lái cỡ nhỏ trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn.

Lý giải về điều này, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng cho biết họ muốn đảm bảo rằng UAV có chuỗi cung ứng an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn quân sự.

Một chương trình của Bộ Quốc phòng triển khai vào năm 2020 nhằm giúp các công ty khởi nghiệp bán UAV cho quân đội Mỹ không cho phép các nhà sản xuất cập nhật phần mềm mà không có sự chấp thuận của chính phủ. Yêu cầu này có thể khiến các UAV sản xuất theo quy định của Mỹ dễ bị tác động vì tấn công mạng và tác chiến chiến điện tử ngày càng phát triển.

Người phát ngôn Bộ phận Đổi mới Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những thay đổi phần mềm trên UAV phải được đánh giá về mặt bảo mật.

Giám đốc điều hành Skydio, Adam Bry cho biết các nhân viên của công ty đã quay lại Ukraine 17 lần để ghi nhận phản hồi. Theo ông, UAV mới của hãng được chế tạo dựa trên nhu cầu quân sự của Ukraine và phản hồi từ các khách hàng khác, thay vì Bộ Quốc phòng Mỹ. Các yêu cầu của Lầu Năm Góc đôi khi khác với thực tế chiến trường.

Ukraine đã yêu cầu hàng nghìn chiếc Skydio X10 mới, có thể tự chuyển tần số ngay khi tín hiệu bị gây nhiễu. Skydio cho biết mẫu UAV mới cũng có khả năng định vị tốt hơn nên có thể bay ở độ cao lớn mà không cần GPS.

“Điều quan trọng đối với Skydio nói riêng và ngành công nghiệp UAV của Mỹ nói chung là chúng tôi giúp X10 thành công trên quy mô lớn trên chiến trường ở Ukraine. Không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này”, ông Bry nói.

Bài liên quan
Người đẹp Ukraine đăng quang Hoa hậu Môi trường, đại diện Việt Nam trượt top 21
Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà là người trao vương miện cho tân Miss Eco International - Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024 đến từ Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất