UNESCO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đưa văn hóa vào trung tâm chính sách phát triển

PV/VOV.VN | 18/12/2022, 08:09

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart khẳng định, UNESCO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển về văn hóa, đưa văn hóa vào trung tâm chính sách phát triển.

Ngày 17/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo được kỳ vọng đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Nói về quan điểm xuyên suốt, nổi bật của Đảng về công nghiệp văn hoá, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho biết, Đảng ta xác định phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện Đại hội Đảng trước đây đều nhấn mạnh đến phát triển văn hóa. Trong đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu điều rất quan trọng, đó là phải phát huy sức mạnh văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để phát triển công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương kiến nghị cần coi công nghiệp văn hóa cũng là một ngành công nghiệp như các ngành công nghiệp khác. Không nên quan niệm công nghiệp văn hóa chỉ thuộc lĩnh vực văn hóa, mà phải đặt ngành công nghiệp văn hóa trong tổng thể các ngành kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần có sự định hướng, quản lý ngành công nghiệp văn hóa như các ngành công nghiệp khác; đồng thời trong  xây dựng thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng phải có thể chế cho phát triển công nghiệp văn hóa. Khi tạo môi trường cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng phải tạo môi trường cho phát triển công nghiệp văn hóa. Nhà nước cũng cần đảm bảo để công nghiệp văn hóa phát triển ngang bằng, bình đẳng, cạnh tranh một cách lành mạnh đối với các ngành công nghiệp khác, sản phẩm văn hóa được coi là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt trên thị trường cả trong nước và quốc tế.

Ghi nhận Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp vào sự thành công của UNESCO trong các nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho rằng, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là một thành tựu đáng kể của quốc gia trong việc phê chuẩn Công ước của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước năm 2005). 

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đánh giá cao Việt Nam khi đã đặt văn hóa là trung tâm trong kế hoạch phát triển quốc gia bảo đảm công bằng và bền vững. Đây là điều mà Việt Nam có cách tiếp cận và đi trước nhiều nước trên thế giới.

Cũng theo Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, là làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa-sáng tạo, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Đặt văn hóa vào giữa quy hoạch phát triển quốc gia sẽ đảm bảo phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững.

Đại diện của UNESCO đưa ra khuyến nghị trong hoàn thiện thể chế, thiết kế các chính sách văn hóa, tích hợp các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong các kế hoạch phát triển quốc gia và giám sát thực hiện, tác động của chính sách. Ông Christian Manhart khẳng định UNESCO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển về văn hóa, đưa văn hóa vào trung tâm chính sách phát triển./.

Bài liên quan
Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần một chiến lược dài hơi
Sau 5 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt doanh thu 3,61% GDP. Nhưng, vẫn còn đó không ít "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, công nghiệp văn hóa nước ta rất cần một chiến lược dài hơi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Việt Nam bảo đảm quyền được chăm sóc y tế công cộng cho người dân
Theo WHO, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 15 năm, với sự suy giảm đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Việt Nam đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, đưa đất nước tiến xa hơn trên mục tiêu hướng tới lộ trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Mới nhất