Khoảng cách điểm chuẩn từ 10 - 25,5 không đơn thuần là chuyện đầu vào mà phản ánh sự chênh lệch lớn chất lượng giáo dục giữa các khu vực và trường học từ nội thành đến ngoại thành.
Hơn 15 điểm chênh lệch - phân tầng ngày càng rõ
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm 2025 dao động từ 10,00 đến 25,5 điểm. Trường THPT Kim Liên dẫn đầu với mức điểm chuẩn cao nhất là 25,5 điểm, tương đương trung bình 8,5 điểm/môn, tiếp đến là Nguyễn Gia Thiều, Lê Quý Đôn (Hà Đông), Yên Hòa, Phan Đình Phùng, Việt Đức… đều có mức chuẩn trên 25 điểm.
Ngược lại, không ít trường công lập ở vùng ven như THPT Đại Cường, Minh Quang, Lưu Hoàng… chỉ lấy từ 10 đến 15 điểm, tức trung bình mỗi môn 3 đến 5 điểm.

Đáng nói là, hơn 90 trường có mức điểm trung bình môn giảm so với năm ngoái. Chênh lệch giữa trường có điểm chuẩn cao nhất với trường thấp nhất là 15,5 điểm. Nhiều trường có mức điểm chuẩn giảm sâu so với năm 2023 và 2024.
Chẳng hạn, Trường THPT Thọ Xuân (Đan Phượng) giảm tới gần 8,5 điểm. Năm ngoái, trường này lấy điểm chuẩn 30,75, tức trung bình 6,15 điểm/môn sẽ trúng tuyển. Năm nay, trường có điểm chuẩn là 10, tức trung bình thí sinh đạt 3,33 điểm/môn đã có thể trúng tuyển.
Năm nay, có tới 26 trường có điểm chuẩn dưới 5 điểm/môn, gần gấp đôi so với năm 2024 (12 trường). Trong khi đó, chỉ có 9 trường đạt ngưỡng trên 8 điểm/môn - chiếm chưa tới 10% trong số 115 trường công lập. Những con số này phản ánh một thực tế là: hệ thống trường THPT công lập tại Hà Nội đang tồn tại sự phân tầng rõ rệt.
Thực tế, có em đạt 24 điểm vẫn không đỗ vào trường mơ ước, trong khi ở trường khác, chỉ cần 10 điểm là trúng tuyển. Việc tuyển sinh diễn ra chung một kỳ thi, cùng một đề, nhưng đầu vào chênh lệch tới cả chục điểm đang là điều khiến nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh trăn trở.
“Em thi được 22 điểm, nhưng vẫn không đỗ trường top trong quận nội thành. Trong khi bạn em, học cùng lớp nhưng ở huyện khác, chỉ cần hơn 15 điểm là đã đỗ công lập. Em thấy hơi bất công vì bọn em đều học cùng đề mà cơ hội thì khác nhau quá nhiều. Nếu biết trước, chắc em chọn trường ít cạnh tranh hơn, dù đó không phải là nguyện vọng em thích nhất”, Đức Anh, học sinh lớp 9 chia sẻ sau khi biết kết quả điểm chuẩn.
Lâu nay, không chỉ học sinh, phụ huynh mà cả xã hội đều thừa nhận là, để “chen chân” vào những trường top đầu, áp lực của học sinh còn cao hơn cả kỳ thi đại học. Dù có tới 115 trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội, nhưng thực tế cho thấy chỉ khoảng 15-20 trường là “điểm đến mơ ước” của phần lớn học sinh và phụ huynh, dẫn tới sự quá tải tại nhóm trường top và thiếu hụt học sinh ở nhóm dưới.
Ở chiều ngược lại, nhiều trường vùng ven tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí “vớt” thêm nguyện vọng 3 nhưng vẫn thiếu học sinh. Điều này đặt ra nghịch lý: Trường chất lượng cao thì quá tải, học sinh phải “chiến đấu” với áp lực lớn, Trường chất lượng yếu thì thí sinh đủ điểm nhưng… không muốn vào, hoặc vào rồi lại lo lắng về chất lượng dạy học.
Đằng sau điểm số là khoảng cách chất lượng
Sự khác biệt lớn về điểm chuẩn không chỉ là câu chuyện năng lực thí sinh, mà phản ánh sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các khu vực, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cho đến điều kiện học tập.
“Tôi không mong trường nào cũng như Kim Liên hay Yên Hòa, nhưng ít nhất sự cách biệt đầu vào không nên quá lớn. Con tôi đạt 24 điểm mà vẫn trượt trường mơ ước, trong khi bạn cùng lớp chỉ 16 điểm lại đỗ trường ở vùng ven. Cháu thấy thiệt thòi, dù học cùng chương trình và đề thi. Cảm giác như cùng vào một cuộc đua nhưng xuất phát ở hai vạch khác nhau”, phụ huynh Thu Phương chia sẻ.
Sự bất bình đẳng này còn nằm ở tâm lý tuyển sinh: phụ huynh nội thành luôn định hướng con học trường “top”, trong khi ở ngoại thành, tâm lý chọn trường “vừa sức”, miễn có suất vào lớp 10, lại phổ biến. Điều này khiến tỷ lệ chọi ở các trường danh tiếng tăng cao, làm nảy sinh cuộc đua khốc liệt.
“Học sinh thi một đề nhưng vào trường nào thì lại là cuộc cạnh tranh gắt gao. Ai cũng muốn vào trường có thầy cô giỏi, môi trường học tập tốt, học sinh giỏi nhiều - điều đó vô tình tạo nên vòng lặp: trường tốt thì càng ngày càng tốt hơn, trường yếu thì càng khó bứt lên”, cô Thu Hà, giáo viên của một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ.

Không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, tình trạng chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường cho thấy hệ thống trường phổ thông đang phân tầng rất rõ. Việc dồn vào một số trường "hot" tạo áp lực rất lớn, trong khi những trường ở vùng khác lại gặp khó khăn trong tuyển sinh và đảm bảo chất lượng. Nếu không có chính sách mạnh tay để đầu tư cho giáo dục ở vùng khó khăn thì hệ thống giáo dục công lập sẽ ngày càng phân tầng sâu hơn.
Có thể thấy rằng, khoảng cách giữa trường top đầu và top cuối chính là hệ quả của sự thiếu cân bằng trong đầu tư và quy hoạch giáo dục. Nếu không giải quyết tận gốc, mỗi mùa tuyển sinh sẽ vẫn là cuộc chiến không cân sức và tạo sự bất công trong tiếp cận giáo dục. Đã đến lúc cần những chính sách dài hơi và quyết liệt hơn, để mọi học sinh dù ở đâu cũng có cơ hội học tập bình đẳng và chất lượng.