Trụ sở làm việc của cán bộ cấp tỉnh sau sáp nhập: Cần một lộ trình căn cơ

TS Vũ Trung Kiên-Học viện Chính trị khu vực II | 16/07/2025, 08:27

Trong thực tế, việc ngay lập tức đưa tất cả cán bộ, công chức ở các tỉnh về trụ sở tỉnh mới làm tăng mật độ ở các nơi vốn đã đông đúc sẵn.

Cán bộ, công chức ở các tỉnh sáp nhập với tỉnh khác đã di chuyển sang trụ sở mới của tỉnh được chọn đặt tỉnh lị để làm việc. Từ đây, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết về nơi làm việc của cán bộ, công chức cấp tỉnh sau sáp nhập.

Câu chuyện cán bộ, công chức ở các tỉnh sau sáp nhập phải di chuyển hàng trăm km đi về hoặc thuê nhà, ở nhà công vụ để làm việc là viễn cảnh đã được nhìn thấy và dự báo trước, nhưng khi đi vào thực tế mới phát sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Có lẽ đã tính trước việc này nên nhiều địa phương đã đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở công vụ, hỗ trợ tiền đi lại, lập các đội xe để đưa rước cán bộ, công chức tới trụ sở làm việc mới. Thế nhưng có lẽ đây vẫn chưa thật sự là giải pháp căn cơ trong lúc này.

Về nhân sự, việc tinh giản biên chế sau sáp nhập đã được Trung ương xác định lộ trình trong 5 năm, đó là một quyết định hợp lý, hợp tình. Một vấn đề lớn như vấn đề con người cần lộ trình 5 năm thì việc trụ sở làm việc có một lộ trình trong khoảng thời gian nào đó để thực hiện là điều cũng cần thiết không kém.

Trong thực tế, việc ngay lập tức đưa tất cả cán bộ, công chức ở các tỉnh về trụ sở tỉnh mới làm tăng mật độ ở các nơi vốn đã đông đúc sẵn, chẳng hạn cán bộ, công chức Bình Phước cũ về Biên Hoà (cũ) thuộc tỉnh Đồng Nai. Mặt khác, quy chuẩn về diện tích phòng làm việc theo Quyết định của Chính phủ ban hành đã được nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng. Có nghĩa là mỗi người cần tối thiểu không gian phòng làm việc với diện tích theo quy định mới đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, các trụ sở hiện nay về cơ bản được xác định theo tiêu chí này.

Sau sáp nhập, nhiều cán bộ, công chức các tỉnh dồn về chắc chắn số lượng sẽ đông và vì vậy tiêu chí này sẽ không đảm bảo. Trụ sở ở các địa phương sau sáp nhập không còn được sử dụng sẽ đóng cửa để chờ chuyển đổi công năng. Để chuyển đổi công năng của một trụ sở không phải là điều dễ dàng và cần một khoảng thời gian có thể nói là không ngắn. Đối với nhà ở, công trình nếu không có người sử dụng đồng nghĩa với việc không được vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ sẽ rất dễ mau chóng xuống cấp, hư hỏng, điều này sẽ gây khó khăn, tốn kém cho việc chuyển đổi công năng sau này.

Hiện nay, một số lĩnh vực như thuế, ngân hàng đều có chi nhánh ở các khu vực, có lẽ các cơ quan có trách nhiệm nên tham khảo mô hình này và áp dụng vào thực tiễn. Chẳng hạn, một cơ quan như Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập một chi nhánh ở Bình Dương (cũ), một chi nhánh ở bà Rịa-Vũng Tàu (cũ). Cũng vậy, chẳng hạn Sở Dân tộc-Tôn giáo Đồng Nai có thể thành lập một chi nhánh ở Bình Phước (cũ) và trụ sở chính tại Đồng Nai. Các chi nhánh này sẽ đảm nhiệm việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ của người dân, những người được phân công làm việc ở các chi nhánh này sẽ làm việc online và hằng tuần, hằng tháng sẽ có buổi làm việc trực tiếp tại trụ sở chính trong các buổi giao ban, hội nghị.

Chúng ta đã và đang hướng tới Chính phủ số bằng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên môi trường, nền tảng số. Đối với người dân còn như vậy thì tại sao đội ngũ cán bộ, công chức lại không thể làm việc theo cách thức này. Nếu thực hiện mô hình này ít nhất trong vài năm đầu khi chưa kịp xây dựng trụ sở mới cũng là cách giảm tải áp lực cho cán bộ, công chức đỡ phải di chuyển vất vả, vừa giúp đội ngũ này tạm thời ổn định công tác, cuộc sống và cũng giúp việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng hơn, bám sát địa bàn, gần dân hơn. Ngoài ra, việc duy trì các chi nhánh này trước mắt còn góp phần giữ cho những nơi đó diễn ra sôi động các hoạt động mua bán, tiêu dùng góp phần kích cầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Và, đó cũng là cách gián tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bài liên quan
Hưng Yên sẽ triển khai xe buýt chất lượng cao đưa đón cán bộ đi làm
Dù còn nhiều khó khăn từ việc thích nghi với môi trường làm việc mới, những lo toan về cuộc sống cá nhân và gia đình, song những cán bộ, công chức Thái Bình cũ vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo bộ máy hành chính mới vận hành thông suốt, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc
Kỷ niệm 78 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025), chiều 15/7, tại Bắc Ninh, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác Trung ương về thăm và tặng quà các thương bệnh binh, người có công gia đình chính sách tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành.
Mới nhất