Tổng thống Indonesia thăm Việt Nam: Khai phá cơ hội hợp tác mới

Phạm Hà- Võ Giang/VOV-Jakarta | 10/01/2024, 08:54

Hai nước sẽ khai phá cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, lưu trữ carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, phát triển kinh tế xanh bền vững...

Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam từ ngày 11 đến 13/1 tới. Nhân dịp này, phóng viên VOV tại Indonesia phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông về ý nghĩa chuyến thăm cũng như tiềm năng thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

Đánh giá ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Việt Nam, Đại sứ Tạ Văn Thông cho biết, quan hệ song phương Việt Nam - Indonesia tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, thể hiện qua các hoạt động thăm viếng, tiếp xúc cấp cao như điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joko Widodo (8/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Indonesia (12/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 3 lần tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia (4/2021, 5/2023 và 9/2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Indonesia và dự AIPA-44 (8/2023)... Chuyến thăm sắp tới sẽ là lần thứ hai Tổng thống Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (sau chuyến thăm tháng 9/2018) và là dịp để hai bên tiếp tục trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược, qua đó thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống đã được vun đắp gần 70 năm qua.

Theo Đại sứ Tạ Văn Thông, hai bên có thể trao đổi trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm như thúc đẩy thương mại và đầu tư, hợp tác trong chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững, kinh tế số, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất xe điện, nông nghiệp công nghệ cao.v.v... Ngoài ra, tình hình quốc tế thời gian qua có nhiều biến động to lớn cả về địa-chính trị, an ninh cũng như kinh tế quốc tế, do đó hai bên sẽ có nhiều điểm để trao đổi, thúc đẩy hợp tác và phối hợp lập trường trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Đại sứ Tạ Văn Thông cũng cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống và tin cậy luôn là nền tảng vững chắc để khuôn khổ hợp tác Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia hướng đến tương lai, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Hai nước vẫn còn có nhiều tiềm năng để tiếp tục khai thác, có nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau. Mặt khác, hai nước cũng là những thành viên tích cực của ASEAN, có vai trò, vị thế nhất định trong khu vực và phần nào đó trên trường quốc tế. Do đó, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu sắc giữa Việt Nam và Indonesia không chỉ phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng việc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác hiện có sẽ tạo điều kiện chín muồi để hai nước nâng tầm quan hệ song phương, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước cũng như sự phát triển hết sức tốt đẹp của quan hệ song phương trong thời gian qua. Điều đó hoàn toàn tự nhiên và chắc chắn sẽ là một xung lực mới, mạnh mẽ để hai nước xây dựng khuôn khổ hợp tác hiệu quả và lâu dài. 

Lạc quan vào mục tiêu 15 tỷ USD

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí đưa thương mại hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2028. Đại sứ Tạ Văn Thông nhận định mục tiêu này được đặt ra dựa trên quyết tâm của chính phủ hai nước và tiềm năng của hai bên. Dân số hai nước chiếm 60% dân số ASEAN với tổng cộng gần 400 triệu dân. Hai nước cùng là thành viên của Khu vực Thương mại tự do AFTA và RCEP, do đó có nhiều lợi thế để tăng thương mại hai chiều. Trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thương mại hai nước tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng gân 10% năm. Do đó khả năng đạt mục tiêu 15 tỷ USD là triển vọng rất thực tế trong vài năm tới.

Để tăng cường thương mại hai chiều, hai bên đang phối hợp sớm họp Ủy ban hỗn hợp Kinh tế Thương mại lần thứ 8 nhằm đưa ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống như nông nghiệp, thuỷ sản…hai bên sẽ có các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu….

Khai phá cơ hội hợp tác mới

Hiện nay một trong những xu thế nổi bật trên thế giới là tăng cường hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại sứ Tạ Văn Thông cho rằng,  cả Việt Nam và Indonesia đều đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm phát thải các-bon, thể hiện trách nhiệm trong việc đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong quá trình triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, hai nước có thể hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, lưu trữ carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, phát triển kinh tế xanh bền vững...

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiện nay vấn đề an ninh lương thực đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt với những nước có dân số đông như Indonesia và Việt Nam. Cả hai nước đều có truyền thống, thế mạnh về nền sản xuất lâu đời và nguồn tài nguyên cho nông nghiệp và nghề cá, có thể bổ sung cho nhau, tạo nên chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Hai bên cần nỗ lực phát huy các cơ chế hiện có trong ASEAN, đồng thời nghiên cứu ký kết thỏa thuận hợp tác nông nghiệp mới, từ đó đưa ra các dự án hợp tác cụ thể để phát triển sinh kế cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế của mỗi nước. Về mặt hàng gạo, Việt Nam luôn nằm trong top 3 các nước cung cấp gạo cho thị trường Indonesia. Tính đến tháng 11/2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia hơn 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 600 triệu USD. Về thủy sản và nghề cá, hai bên tiếp tục thúc đẩy các trao đổi gần đây về các nhóm hàng như tôm hùm, cá ngừ, rong biển, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và ngư dân hai nước để phát triển nghề cá một cách bền vững.

Du lịch cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước dựa trên cảnh quan thiên nhiên và nền kinh tế du lịch đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc khôi phục các đường bay trực tiếp sau thời gian gián đoạn, năm 2023 Vietjet đã mở thêm các đường bay mới Tp. Hồ Chí Minh - Jakarta và Hà Nội - Jakarta. Đây là điều kiện thuận lợi để trong thời gian tới hai bên có thể hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, kết nối các điểm đến, đồng thời cải tiến, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững.

Bên cạnh quan hệ chính trị hết sức tốt đẹp luôn được duy trì và vun đắp trên cơ sở truyền thống hữu nghị đã được thử thách qua thời gian, trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi hai nước bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đạt mức tăng trưởng ấn tượng, liên tục vượt qua các cột mốc mới và theo hướng cân bằng hơn. Indonesia trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại ASEAN trong năm 2023. Kim ngạch thương mại song phương tăng từ 8,2 tỷ USD năm 2020 lên 14,17 tỷ USD năm 2022;

Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư cũng có nhiều khởi sắc. Tính đến hết tháng 11/2023 tổng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam đạt 651,21 triệu USD, với 120 dự án còn hiệu lực (tăng thêm 2 dự án với số vốn tăng thêm 4,71 triệu USD trong năm 2023) và xếp thứ 29/143 và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn, công ty của Indonesia đang đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam như: Ciputra, Traveloka, Gojek, PT Vietmindo Energitama, Jafpa Comfeed Vietnam, Semen Indonesia Group… Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã có mặt tại Indonesia như FPT, Điện máy xanh... và các doanh nghiệp khác cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư tại Indonesia như Taxi Xanh (Vingroup),  Tập đoàn Việt Thái, Thái Bình Shoes, Cổ phần Thuận Hải… Đáng chú ý hơn cả là dự án của Vinfast Global với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 1,2 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Indonesia với quy mô 50.000 xe mỗi năm, dự kiến sẽ động thổ trong Quý I/2024 và hoàn thành vào năm 2026.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 đầy thách thức và khó lường, việc cả Việt Nam và Indonesia đều duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và quan hệ kinh tế song phương phát triển mạnh mẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bản thân mỗi nước mà còn góp phần nâng cao tính tự cường về mặt kinh tế của khối ASEAN nói chung để đứng vững trước các biến động và tác động không thuận bên ngoài.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, giám sát
Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.
Mới nhất