Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2024), sáng 5/9, Ban Thường vụ Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) do đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn đầu có chuyến đi về nguồn tại Hang Chùa Trầm – nơi Đài Tiếng nói Việt Nam chọn làm địa điểm công tác sau khi rời Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (từ 20/12/1946 – 04/3/1947); làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ, trao đổi nội dung về việc xây dựng lại biểu tượng, bia lưu niệm của Đài Tiếng nói Việt Nam tại cửa hang Trầm, xã Phụng Châu.
Hang Trầm – nơi Bác Hồ phát “lời hịch” kêu gọi cả nước chống Pháp
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng – Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Chương Mỹ cho biết, đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ cũng như Ban Thường vụ Đảng ủy Đài tiếng nói Việt Nam nhằm chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946-2026).
Theo ông Thắng, Chương Mỹ là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa và truyền thống anh hùng cách mạng; nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng có giá trị; đặc biệt, trên địa bàn huyện có rất nhiều chùa, đình, đền, miếu cổ kính với 374 di tích mang giá trị tiêu biểu về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa;
Có 99 lễ hội truyền thống, 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 11 di tích được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến - đó là những di sản vô giá mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, kết tinh trí tuệ, tinh thần và truyền thống của Nhân dân qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, Cụm di tích chùa Trầm là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1962.
Chùa Trầm còn có tên gọi là Long Tiên Tự, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669); ngôi chùa có địa thế đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ; ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ, là nơi lưu giữ và thờ tự đức Phật từ nhiều thế kỷ trước, là chốn linh thiêng mà bất cứ ai yêu mến Phật giáo đều dành sự tôn trọng và kính ngưỡng, mong muốn được đến thăm và chiêm bái.
“Chùa Trầm còn là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc. Đặc biệt, cuối năm 1946, Chùa Trầm còn là địa điểm sơ tán đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam khi rời Hà Nội để tiếp tục phát thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tại đây, đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là “lời hịch” non sông rất thiêng liêng, có sức mạnh kêu gọi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc”, ông Thắng nhấn mạnh.
Đến đầu năm 1947, Chùa Trầm và Đài Tiếng nói Việt Nam lại có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm và đọc thơ chúc Tết toàn thể quốc dân đồng bào trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam giữa khung cảnh tĩnh mịch, không gian linh thiêng của Chùa Trầm và đặc biệt, trong không gian linh thiêng Bác Hồ đã đặt lên Bàn thờ Phật 8 chữ vàng “Kháng chiến tất thắng, Kiến quốc tất thành” vào đêm giao thừa Tết Đinh Hợi (1947).
Nhận thức rõ các giá trị tiêu biểu của Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian đối với huyện Chương Mỹ nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung và của Thường trực Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với huyện Chương Mỹ, trong đó huyện Chương Mỹ có đề xuất Thường trực Thành ủy quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng khu trưng bày lưu niệm Bác Hồ tại Cụm di tích Chùa Trầm, xã Phụng Châu;
Hạ tầng giao thông kết nối di tích chùa Trầm, chùa Trăm gian với các di tích nổi tiếng khác như chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất), chùa Hương (Mỹ Đức) và chùa Tam Chúc (Hà Nam) và đề xuất đã được Thường trực Thành ủy phê duyệt, hiện nay, UBND huyện đã trình Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội và Ban Quản lý di tích và danh thắng thành phố Hà Nội thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công cuối tháng 9/2024.
“Với việc khởi công xây dựng Công trình Khu nhà lưu niệm Bác Hồ thì việc xây dựng lại biểu tượng, bia lưu niệm của Đài Tiếng nói Việt Nam là việc làm hết sức cần thiết để Biểu tượng và Bia lưu niệm được quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn, qua đó phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, cách mạng - kháng chiến của Biểu tượng và Bia lưu niệm nói riêng, cũng như của Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm nói chung”, ông Thắng nói.
Trong khuôn khổ các hoạt động nằm trong Kế hoạch quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới của huyện, sáng ngày mai 6/9/2024, Huyện phối hợp với Sở Văn hóa - Thể Thao Hà Nội và các cơ quan tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích Quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ”.
Nội dung của Hội thảo sẽ đánh giá toàn diện, làm rõ, sáng tỏ hơn về nội dung, giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, cách mạng - kháng chiến của cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian; trong đó có nội dung về: Giá trị lịch sử, cách mạng, kháng chiến tại di tích chùa Trầm, một số sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh;
Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và dấu ấn của Đài tiếng nói Việt Nam trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã sơ tán, làm việc tại chùa Trầm, tạo cơ sở khoa học để thực hiện tốt hơn công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới; định hướng để nơi đây trở thành điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn của Thành phố; đồng thời, cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.
Tin tưởng việc tôn tạo sẽ phát huy được giá trị của di tích Chùa Trầm
Tại cuộc làm việc, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ đã thay mặt các thế hệ của Đài bày tỏ trân trọng cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ các thời kỳ đã nâng niu, gìn giữ di tích lịch sử Chùa Trầm, hang Trầm với dấu ấn của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã sơ tán 14 lần để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho làn sóng quốc gia. Hang Trầm là địa điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán.
Tại nơi này, đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Cũng tại nơi đây, đêm 21/1/1947, sau khi chủ trì phiên họp Chính phủ tại Quốc Oai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Hang Trầm, nơi sơ tán của Đài Tiếng nói Việt Nam để đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước tết Nguyên đán Đinh Hợi 1947.
“Vì thế trước cửa Hang Trầm sau này được dựng biểu tượng hình tháp ghi nhận Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng trong những thời khắc lịch sử cam go và thiêng liêng ở nơi này”, ông Sỹ nói.
Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định, tại khu di tích lịch sử Chùa Trầm, Hang Trầm là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tin tưởng việc tôn tạo sẽ phát huy được giá trị của di tích.
“Công trình này, khi hoàn thành kết nối cả quá khứ, hiện tại, tương lai đầy sức thuyết phục. Không những để cho đồng bào mình, nhân dân mình, mà đây sẽ là nơi rất nhiều người đến. Chúng tôi cam kết sẽ rà soát lại, hiện nay trong kho tư liệu của chúng tôi có cả hình ảnh của Bác Hồ, bác Giáp, bác Đồng rất là quý”, ông Sỹ khẳng định.
Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ, rất muốn sau buổi làm việc hôm nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ sẽ sớm có bản quy hoạch tổng thể được phê duyệt gửi cho lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, từ bản quy hoạch đó, VOV tham gia đóng góp ý kiến, tạo ra cho khu di tích này một quy hoạch xứng tầm, hài hòa với sự phát triển chung của huyện Chương Mỹ cũng như của TP Hà Nội.
Trước đó, đoàn công tác của Ban Thường vụ Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đã vào dâng hương tại Chùa Trầm, thắp hương trong Hang Trầm và chụp anh lưu niệm tại bia lưu niệm của Đài Tiếng nói Việt Nam tại cửa Hang Trầm.