Món quà đặc biệt của học sinh vùng khó mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

CTV Biên Cương/VOV-Miền Trung | 18/11/2024, 14:35

VOVLIVE - Những ngày này, các học trò vùng khó khăn ở huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị tri ân thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam với những món quà rất đặc biệt. Quà của các em là những nhánh hoa rừng hay nông sản trên nương rẫy mang tặng thầy cô bằng tất cả tấm chân tình.

Các em học sinh điểm trường thôn A Ngo của Trường TH&THCS A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cùng nhau hái những bông hoa rừng rực rỡ sắc màu. Nhiều em còn mang cả nông sản quen thuộc như chuối, đu đủ, măng rừng...tặng cô thầy nhân ngày 20/11. Từng cành hoa, từng món quà nhỏ giản dị ấy lại chứa đựng biết bao tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc của các em dành cho thầy cô.  Em Hồ Thị Giao, học sinh lớp 4B, Điểm trường thôn A Ngo, Trường TH&THCS A Ngo, huyện Đakrông bày tỏ:“20/11 là ngày của các thầy cô giáo. Vào dịp này, em hái hoa trong vườn để tặng cô, rồi hát cho cô nghe bài hát về chủ đề thầy cô giáo. Em sẽ cố gắng học hành, chăm ngoan để không phụ lòng thầy cô”.

Huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy những món quà của học sinh gửi tặng thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam luôn mộc mạc. Nhiều lúc món quà chỉ là một bài hát của học sinh tặng thầy, cô nhân Ngày 20/11 cũng làm các thầy, cô xúc động như bài hát của một học sinh gửi tặng cô giáo chủ nhiệm của mình: “Nhân ngày 20/11, cháu hát tặng cô 1 bài hát “Lời thầy cô”: Lời thầy cô con luôn ghi trong tim, mãi khắc ghi bao công ơn cô thầy. Những tháng năm khi con còn thơ dại. Lời thầy cô đã cho con niềm tin. Rồi ngày mai khi con lớn lên, tung cánh bay con bay đi vào đời. Lời thầy cô con luôn mang bên mình, là hành trang cho con bước đi....”.

Những năm qua, chính quyền, ban ngành tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục miền núi. Thế nhưng, đời sống của đồng bào miền núi vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Với những thầy cô giáo ở miền núi, niềm vui lớn nhất luôn là những tháng ngày được gắn bó với bản làng, để tiếp tục cống hiến nuôi dạy các em có được kiến thức vươn lên thoát nghèo. Chỉ cần các em chăm chỉ học tập và ngoan hiền, đó là động lực lớn lao để các thầy cô tiếp tục vượt khó và cống hiến cho giáo dục.

15 năm gắn bó với sự nghiệp dạy học ở miền núi còn khó khăn này, cô Trần Thị Nghĩa, giáo viên Trường TH&THCS A Ngo, huyện Đakrông không còn lạ gì với các món quà của học sinh tặng nhân ngày 20/11. Nhưng mỗi lần nhận những bó hoa rừng, những nải chuối, quả đu đủ của học sinh tặng, cô luôn xúc động, càng thấy thương học trò của mình nhiều hơn:“Công tác ở miền núi được 15 năm, một thời gian rất dài và điều đó để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên ở giáo dục miền núi. Trong ngày 20/11, cô và trò cùng ra suối bắt ốc, rồi về nấu cho nhau ăn, cùng kể chuyện cho nhau nghe. Trẻ cũng mạnh dạn chia sẻ cho tôi nghe những câu chuyện trên lớp. Từ những buổi trò chuyện đó thì đã gắn bó tình cảm cô trò càng khăng khít hơn”.

Bài liên quan
Tấm lòng của các giáo viên dạy học sinh khiếm khuyết
VOVLIVE - Dạy học sinh khiếm khuyết vô cùng khó khăn, vất vả nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ và trách nhiệm với xã hội, các thầy, cô ở tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang (thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang) phải cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Đại đoàn kết toàn dân tộc - Nguồn sức mạnh đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình
VOVLIVE - 94 năm qua, trong những trang vàng chói lọi của đất nước đều có dấu ấn quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Mặt trận luôn là địa chỉ tin cậy, mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để toàn dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Mới nhất