Tiết lộ mật về quan hệ đối tác quân sự Mỹ - Ukraine trong suốt xung đột với Nga

01/04/2025, 09:44

Một cuộc điều tra của tờ New York Times tiết lộ, Mỹ đã tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine nhiều hơn nhiều so với những gì từng được biết trước đây.

Cuộc xung đột ở Ukraine đang ở thời điểm quan trọng khi Tổng thống Trump tìm cách xích lại gần nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và thúc đẩy chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, trong gần 3 năm trước khi ông Trump trở lại nắm quyền, Mỹ và Ukraine đã có một mối quan hệ vô cùng chặt chẽ về tình báo, chiến lược, lên kế hoạch cũng như công nghệ mà sự phát triển và các hoạt động bên trong chỉ được một nhóm nhỏ các quan chức Mỹ và đồng minh biết đến.

Để thể hiện sự minh bạch, Lầu Năm Góc công khai kê số vũ khí trị giá 66,5 tỷ USD mà họ đã cung cấp cho Ukraine. Nhưng một cuộc điều tra của New York Times tiết lộ, sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột này sâu sắc hơn nhiều so với những gì từng thấy trước đây. Quan hệ đối tác bí mật này vừa định hướng chiến lược chiến đấu toàn diện, vừa truyền tải thông tin chính xác về các mục tiêu đến các binh lính Ukraine trên chiến trường.

Dưới đây là 5 điểm chính rút ra từ cuộc điều tra trên

Một căn cứ của Mỹ tại Wiesbaden, Đức đã cung cấp cho Ukraine tọa độ của lực lượng Nga trên lãnh thổ của họ

Ý tưởng đằng sau quan hệ đối tác này là sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ với Ukraine đề bù đắp lợi thế to lớn của Nga về nhân lực và vũ khí. Để hướng dẫn Ukraine khi họ triển khai kho vũ khí ngày càng tinh vi, Mỹ đã tạo ra Lực lượng đặc nhiệm Dragon.

Trung tâm bí mật của quan hệ đối tác này nằm tại căn cứ đồn trú của quân đội Mỹ tại Wiesbaden, Đức. Mỗi buổi sáng, các sĩ quan quân đội Mỹ và Ukraine đặt ra các ưu tiên nhắm mục tiêu, theo đó có thể là các đơn vị, thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng của Nga. Các sĩ quan tình báo của liên minh và của Mỹ đã tìm kiếm hình ảnh vệ tinh, phát xạ vô tuyến và các thông tin liên lạc bị chặn lại để tìm ra vị trí của Nga. Sau đó, Lực lượng đặc nhiệm Dragon cung cấp cho Ukraine tọa độ để họ có thể bắn vào các mục tiêu này.

Các quan chức quân sự lo ngại rằng việc gọi các mục tiêu trên là "mục tiêu" có thể là hành động khiêu khích quá mức. Thay vào đó, chúng được gọi là "các điểm quan tâm".

Tình báo và pháo binh Mỹ giúp Ukraine đảo ngược tình thế trong cuộc xung đột với Nga

Vào mùa xuân năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden đã đồng ý cung cấp cho Ukraine pháo phản lực HIMARS sử dụng tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh để tấn công ở khoảng cách lên tới 80km. Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về thông tin tình báo và Lực lượng đặc nhiệm Dragon, chịu trách nhiệm thẩm định và giám sát hầu như mọi cuộc tấn công của HIMARS.

Các cuộc tấn công khiến tỷ lệ thương vong của Nga tăng vọt và cuộc phản công năm 2022 của Ukraine đã đạt được một số thành quả nhất định.

Chính quyền ông Biden liên tục dịch chuyển các lằn ranh đỏ

Ngay từ đầu, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã tìm cách đặt ra một lằn ranh đỏ: Đó là Mỹ không chiến đấu với Nga mà đang hỗ trợ Ukraine. Dù vậy, họ lo ngại rằng các bước thực hiện để đạt được điều đó có thể khiến ông Putin tấn công các mục tiêu của NATO hoặc có thể thực hiện các cảnh báo hạt nhân. Ngay cả khi chính quyền ông Biden tăng cường khả năng chịu rủi ro lớn hơn để giúp Ukraine ứng phó với mối đe dọa gia tăng, nhiều bước đi có khả năng khiêu khích đã được thực hiện một cách bí mật, bao gồm:

• Nới lỏng lệnh cấm quân đội Mỹ vào lãnh thổ Ukraine. Theo đó, Wiesbaden được phép đưa khoảng 10 cố vấn quân sự đến Kiev. Để tránh thu hút sự chú ý của công chúng về sự hiện diện này, Lầu Năm Góc ban đầu gọi họ là "chuyên gia chủ đề". Sau đó, nhóm được mở rộng lên khoảng 30 người và cuối cùng các cố vấn quân sự được phép đến các sở chỉ huy của Ukraine gần nơi giao tranh hơn.

• Năm 2022, Hải quân Mỹ được phép chia sẻ thông tin về mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các tàu chiến ngay bên ngoài vùng lãnh hải của Bán đảo Crimea. CIA được phép hỗ trợ các hoạt động của Ukraine trong vùng biển Crimea và vào mùa thu năm đó, cơ quan này đã bí mật giúp máy bay không người lái của Ukraine tấn công các tàu chiến của Nga tại cảng Sevastopol.

• Vào tháng 1/2024, các sĩ quan quân đội Mỹ và Ukraine tại Wiesbaden đã cùng nhau lên kế hoạch cho một chiến dịch, sử dụng tên lửa tầm xa do liên quân cung cấp, cùng với máy bay không người lái của Ukraine để tấn công khoảng 100 mục tiêu quân sự của Nga trên khắp Crimea. Chiến dịch mang tên Mưa Mặt Trăng phần lớn đã thành công trong việc buộc Nga phải rút thiết bị, cơ sở vật chất và lực lượng ở Crimea lùi sâu vào đất liền Nga.

Quân đội Mỹ và CIA được phép hỗ trợ các cuộc tấn công vào Nga

Lằn ranh đỏ khó khăn nhất là biên giới Nga. Nhưng vào mùa xuân năm 2024, để bảo vệ thành phố Kharkov ở phía Bắc khỏi cuộc tấn công của Nga, chính quyền đã cho phép thành lập một "hộp chiến dịch" - một khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nga mà các sĩ quan Mỹ ở Wiesbaden có thể cung cấp cho Ukraine tọa độ chính xác. Sự lặp lại đầu tiên của hộp chiến dịch này đã mở rộng trên một vùng rộng lớn ở biên giới phía Bắc Ukraine. Hộp được mở rộng lần nữa sau khi quân đội Triều Tiên được cử tới để chống lại cuộc xâm nhập của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga. Sau đó, quân đội Mỹ được phép tạo điều kiện để Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào một khu vực ở phía Nam nước Nga, nơi các lực lượng của Moscow tập trung nhân lực và trang thiết bị cho cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine.

Chính sách từ trước đến nay đã cấm CIA cung cấp thông tin tình báo về các mục tiêu trên đất Nga. Nhưng CIA có thể hỗ trợ các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu cụ thể. Tình báo đã xác định được một kho đạn dược khổng lồ ở Toropets, Nga cách biên giới Ukraine 467km về phía Bắc. Vào ngày 18/9/2024, UAV bầy đàn đã lao vào kho đạn dược. Vụ nổ mạnh như một trận động đất nhỏ, tạo ra một miệng hố rộng bằng một sân bóng đá. Sau đó, CIA được phép tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ở miền Nam nước Nga nhằm cố gắng làm chậm bước tiến của Moscow ở miền Đông Ukraine.

Những bất đồng chính trị ở Ukraine đã dẫn đến sự thất bại của cuộc phản công năm 2023

Cuộc phản công năm 2023 của Ukraine được cho là sẽ tạo đà sau những chiến thắng của năm đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi các đối tác tổ chức tập trận ở Wiesbaden và thống nhất về một chiến lược, kế hoạch đã đi ngược lại quan điểm của chính giới Ukraine.

Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, đã chấp nhận kế hoạch này, trong đó trọng tâm là một cuộc tấn công theo hướng thành phố Melitopol ở phía Nam nhằm cắt đứt các tuyến tiếp tế của Nga. Nhưng đối thủ và cấp dưới của ông, Tướng Oleksandr Syrsky, đã có kế hoạch riêng của mình, đó là tấn công lực lượng Nga tại thành phố Bakhmut bị chiếm đóng ở phía Đông. Tổng thống Zelensky, đứng về phía ông Syrsky, đã chia đạn dược và lực lượng ở cả hai mặt trận chính thay vì một. Ukraine không bao giờ giành lại được Bakhmut và trong vòng vài tháng, cuộc phản công đã kết thúc trong thất bại. Nga hiện đã chiếm thế thượng phong.

Một quan chức tình báo châu Âu đã bị sốc trước mức độ tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột, nói với tờ New York Times, rằng "bây giờ họ (Mỹ) là một phần của chuỗi tiêu diệt".

Tuy nhiên, sự hợp tác đôi khi trở nên mong manh do bất đồng về chiến lược và mục tiêu, đặc biệt là trước cuộc phản công bất thành của Ukraine ở khu vực phía Nam của mặt trận vào mùa hè năm 2023.

Các quan chức Mỹ coi Ukraine quá tham vọng và coi thường lời khuyên về chiến lược. Ukraine cáo buộc Mỹ quá thận trọng. Trong cuộc phản công năm 2023, giới lãnh đạo Ukraine đã chia rẽ giữa các mục tiêu khác nhau - theo đuổi một cuộc tấn công vào Melitopol hay bảo vệ Bakhmut. Điều này được cho là đã làm suy yếu chiến lược thống nhất ở Wiesbaden.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Ukraine "không thể tồn tại" nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Moscow đã nhiều lần chỉ trích sự tham gia của phương Tây vào cuộc xung đột, cho biết điều đó sẽ chỉ kéo dài tình trạng thù địch mà không thay đổi được kết quả của chúng.

Bài liên quan
Phép thử của ông Trump khi đi ngược châu Âu về lệnh trừng phạt Nga
VOVLIVE - Theo các nguồn thạo tin, Điện Kremlin đang có một chiến lược cố ý thử xem Tổng thống Trump sẵn sàng đi xa đến đâu trong việc gây sức ép với châu Âu để nới lỏng lệnh trừng phạt.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper
VOVLIVE - Chiều 31/3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Ngài Marc Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Mới nhất