Việc bố trí, sắp xếp tổ chức, nhân sự cần thực hiện cẩn trọng

Lê Hoàng/VOV.VN | 01/04/2025, 09:30

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, việc bố trí, sắp xếp lại tổ chức, nhân sự cần thực hiện cẩn trọng, bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ dôi dư, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được tiến hành hết sức khẩn trương ở khắp các địa phương và không ít cán bộ thuộc diện dôi dư. Ở  nhiều đơn vị, nhiều người viết đơn xin được nghỉ hưu trước tuổi. 

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, đất nước đang thực hiện cuộc cải cách mang tính cách mạng. Tức là xóa bỏ cái không phù hợp để thực hiện cái mới và điều này đang được nhân dân rất ủng hộ. Với tư cách là một công dân và là một nhà nghiên cứu sử học, ông bày tỏ sự ủng hộ, đồng thời nhấn mạnh cuộc cải cách này phù hợp với quy luật phát triển. 

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công cuộc cải cách toàn thể, hoàn thiện bộ máy của Đảng, Nhà nước đã nhận được sự ủng hộ và sẽ thành công. 

“Từ cán bộ cấp Trung ương đến cấp tỉnh và cấp thấp hơn, ai đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới thì bố trí đảm nhận chức trách đó, công việc đó. Còn ai không phù hợp thì phải chuyển đổi. Nhưng phải có đào tạo, bồi dưỡng chứ không phải cứ nhấc người này sang làm việc kia. Do vậy, cần có cả một quy trình bố trí sắp xếp và thậm chí là đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng được yêu cầu công việc mới”,  PGS.TS Trần Đức Cường nói.

Thực tế, công tác tổ chức bộ máy luôn là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ và bộ máy chính quyền các cấp. Việc bố trí, sắp xếp lại tổ chức, nhân sự cần thực hiện cẩn trọng, bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ dôi dư, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, số lượng cán bộ công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy theo dự kiến trước đây là khoảng 100.000 người. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều khi tiến hành sắp xếp tỉnh, bỏ cấp huyện và tiếp tục sắp xếp cấp xã.

Nêu giải pháp hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho nhóm công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp, các chuyên gia cũng cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước lần này có thể xem là một “cuộc đại phẫu”, là cơ hội để cải tổ, đổi mới bộ máy nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia.

Theo TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Đại Học Kinh tế quốc dân, sau tinh gọn, giảm biên chế số cán bộ, viên chức sẽ giảm 20%, tương đương từ 150.000 - 200.000 người. Điều này dẫn đến những tác động trong ngắn hạn như làm gia tăng áp lực cạnh tranh việc làm, bên cạnh đó, dư thừa nhân sự tại một số ngành nghề cũng có thể gây khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Về dài hạn, có thể xuất hiện một số rủi ro tiềm năng.

“Nếu chúng ta dừng tuyển dụng ở khu vực công trong vòng 5 năm thì sẽ có thể dẫn tới mất cân đối về cơ cấu độ tuổi và dẫn tới thế hệ thiếu hụt kỹ năng mới, đổi mới sáng tạo, thiếu hụt thế hệ kế cận. Đồng thời, có thể suy giảm tính cạnh tranh trong thu hút nhân tài đối với khu vực công và ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục đào tạo, trong đó, những ngành nghề đào tạo lao động cung cấp cho khu vực công sẽ bị giảm sức hút so với trước đây”, TS Ngô Quỳnh An phân tích.

Giải quyết khủng hoảng bản sắc nghề nghiệp

Cũng theo TS Quỳnh An, sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sẽ có một bức tranh gồm cả những cơ hội và thuận lợi đối với những lao động sau khi điều chuyển. Trong đó, sẽ mở rộng thêm nhiều cơ hội việc làm, cơ hội tiếp cận những môi trường năng động hơn, cơ hội phát triển kỹ năng mới, tăng thu nhập tiềm năng.

Về năng lực chuyên môn, bắt buộc phải học hỏi những kiến thức chuyên môn mới. Cùng với đó, Nhà nước chắc chắn sẽ có những chính sách hỗ trợ, những chương trình đào đào tạo để chuyển nghề, hỗ trợ tài chính ban đầu, những chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với lao động từ khu vực công…

Về khó khăn, TS Quỳnh An cho rằng, trước hết là về mặt tâm lý của người lao động khi đứng trước tình trạng mất ổn định việc làm, với áp lực mưu sinh hoặc áp lực khi phải thích ứng với môi trường làm việc mới, thay đổi văn hóa làm việc trong khu vực Nhà nước sang văn hóa linh hoạt của tư nhân. 

“Họ cũng sẽ phải đối mặt với sự khủng hoảng bản sắc nghề nghiệp, bởi vì chuyên môn nghề nghiệp không thể được tận dụng một cách tối đa nữa. Thậm chí, họ có thể phải chuyển sang những ngành nghề và công việc khác. Về mặt chuyên môn, những lao động trong khu vực công có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận kỹ năng số hóa hay khó cạnh tranh với những lao động trẻ hơn, nhất là khi họ phải học những kỹ năng mới, kiến thức mới ở độ tuổi sau 35. Đây là khó khăn lớn khi tuổi đời không còn trẻ và phải xin việc trong môi trường mới ở những doanh nghiệp, tổ chức tư nhân”, bà An nói.

TS Quỳnh An cho rằng, cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức không phải là việc làm thường xuyên và nhóm lao động dôi dư hiện mang tính chất chuyển đổi công việc và nghề nghiệp. Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề ra một số những điểm mới rất quan trọng, như mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những lao động phi chính thức, lao động làm việc trên nền tảng số, lao động làm việc từ xa, lao động trong các hình thức làm việc linh hoạt.

“Việc làm linh hoạt cũng đã đề cập những hình thức việc làm mới như làm việc từ xa, làm việc bán thời gian, làm việc với hợp đồng ngắn hạn và làm việc trên nền tảng số..., đồng thời, cũng đề cập hỗ trợ đào tạo nghề và giải pháp. Ví dụ như đào tạo để chuyển đổi nghề, áp dụng cho nhóm đối tượng điều chuyển sau tinh gọn bộ máy, trong đó có chương trình đào tạo ngắn hạn, chương trình miễn, giảm học phí và hỗ trợ tài chính cho học nghề, cũng như phát triển những kỹ năng cần thiết, như kỹ năng số hay vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi của người lao động…”, theo TS Quỳnh An.

Chuyên gia đề xuất, với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, Nhà nước cần phải có hành lang pháp lý, có những chính sách để điều chỉnh tuyển dụng. Như vậy, sẽ xóa bỏ những rào cản, những định kiến về độ tuổi, thậm chí, có những vị trí ưu tiên tuyển dụng cho các lao động điều chuyển từ khu vực công, với những kinh nghiệm và những kỹ năng phù hợp. 

Bài liên quan
Trung ương xem xét đề án sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện trong tháng 4/2025
Sau khi Bộ Chính trị cho chủ trương, các đề án được tiếp thu ý kiến, hoàn thiện để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper
VOVLIVE - Chiều 31/3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Ngài Marc Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Mới nhất