
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đã leo thang giữa Iran và Mỹ kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và khôi phục chiến dịch “gây sức ép tối đa” với nước Cộng hoà Hồi giáo như từng làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Phát biểu là nhằm đáp lại bức thư của Tổng thống Donald Trump gửi cho giới lãnh đạo Iran đề xuất đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới, đồng thời cảnh báo hành động quân sự nếu nước này từ chối đối thoại. Theo Tổng thống Masoud Pezeshkian, mặc dù vấn đề đàm phán trực tiếp giữa hai bên đã bị bác bỏ, nhưng con đường đàm phán gián tiếp vẫn rộng mở. Iran chưa bao giờ tránh né đàm phán, song hướng đi của các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ phụ thuộc vào Mỹ.
“Các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ đã bị bác bỏ. Tuy nhiên liên quan đến các cuộc đàm phán gián tiếp, Iran luôn tham gia vào những cuộc thảo luận như vậy. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran cũng nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán gián tiếp vẫn có thể tiếp tục. Iran không né tránh đàm phán mà chính những vi phạm thỏa thuận của Mỹ trong quá khứ đã gây ra vấn đề cho đến nay. Người Mỹ phải chứng minh rằng họ có thể tạo dựng được lòng tin liên quan đến các quyết định của họ”.
Trước đó, hôm 31/03, ông Kamal Kharazi, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cũng đưa ra lập trường tương tự, bày tỏ sự cởi mở đối với các cuộc đàm phán gián tiếp. Phát biểu đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi giữa chính phủ Iran và giới lãnh đạo tôn giao của nước này về chính sách đối ngoại. Điều này cũng báo hiệu một sự thay đổi trong cách tiếp của Iran, có thể mở đường cho hoạt động ngoại giao mới giữa Iran và phương Tây.
Giới chuyên gia nhận định Iran dường như đang "chuẩn bị để chấp nhận các cuộc đàm phán hạt nhân, thông qua sự hòa giải của Nga hoặc các quốc gia khác như Saudi Arabia”. Các nhà ngoại giao Iran gần đây đã tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân với Anh, Pháp và Đức. Đáng chú ý, Iran cũng vừa có cuộc họp với Trung Quốc, Nga tại Bắc Kinh nhằm thống nhất lập trường trong bối cảnh cuộc tranh luận quốc tế về vấn đề hạt nhân Iran đang ở ngã ba đường quan trọng.
Tuy nhiên, việc Iran thẳng thừng bác bỏ đàm phán trực tiếp với Mỹ một lần nữa cho thấy sự thiếu lòng tin chiến lược giữa hai nước vẫn còn sâu sắc. Dù cùng tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo đó Iran đã giảm mạnh năng lực hạt nhân của mình, bao gồm giảm 98% kho dự trữ uranium đã làm giàu và 2/3 số máy ly tâm, song chính sự nghi kỵ và thù địch khiến quan hệ hai bên chưa khi nào bình thường trở lại. Tổng thống Donald Trump hôm qua đe dọa sẽ ném bom và áp thuế bổ sung đối với Iran nếu nước này không đạt được thỏa thuận với chính quyền của ông về chương trình hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về thuế quan thứ cấp đối với Iran dựa trên việc họ có thực hiện thỏa thuận hay không. Nếu họ thực hiện thỏa thuận, chúng tôi sẽ không bao giờ áp dụng thuế quan thứ cấp. Chúng tôi sẽ hy vọng họ có một cuộc sống tuyệt vời và thành công. Tôi thích một thỏa thuận hơn là phương án thay thế khác”.
Những cảnh báo như thế này của Tổng thống Donald Trump không phải là mới, nhưng có thể khiến triển vọng đàm phán giữa hai nước trở nên khó khăn hơn. Giới chức Iran tin rằng nhượng bộ trước sức ép của Mỹ sẽ là dấu hiệu của sự yếu kém, làm suy yếu vị thế quốc tế của nước này. Nước này cũng nhiều lần khẳng định, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Iran có quyền phát triển năng lực hạt nhân để phòng thủ và năng lượng theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.